Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ bảy, 14/01/2023 04:01
TMO - Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ Công Thương nhấn mạnh triển khai trong thời gian tới là tập trung hoàn thiện hạ tầng năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hạ tầng năng lượng, thương mại, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Chương trình hành động của Ngành Công Thương với 09 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được phê duyệt nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Trong đó, đối với nhiệm vụ tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng năng lượng, thương mại, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu hạ tầng số, Bộ Công Thương xác định: Thời gian tới, đẩy mạnh rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án năng lượng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm về điện, dầu khí, năng lượng tái tạo, hạ tầng nhập khẩu năng lượng sơ cấp và đối với công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Vân Phong 1... đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định từ năm 2023. Triệt để xử lý các dự án “treo”, dự án chậm tiến độ.
Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, hiệu quả. Khảo sát đánh giá tài nguyên biển ở một số khu vực trọng điểm, tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi thu hút các nguồn vốn, công nghệ, để khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi, hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo, phát triển các ngành kinh tế biển.
Thời gian tới, ngành Công Thương tập trung hoàn thiện hạ tầng năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa)
Quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, sẵn sàng đón dòng vốn hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng với G7 và các đối tác quốc tế vào lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, chuyển đổi xanh; tăng cường truyền thông, phổ biến các quy định của quốc tế trong việc áp dụng các tiêu chuẩn phát thải, đặc biệt là Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon đối với hàng hóa vào thị trường EU.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội; phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch trong năm 2023, gồm: năng lượng, điện, khoáng sản, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia… thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên.
Bên cạnh đó, các Thứ trưởng, theo lĩnh vực phụ trách, bám sát các mục tiêu, yêu cầu thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chương trình hành động, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các Đơn vị chức năng được giao phụ trách triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện...
Đối với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, căn cứ nhiệm vụ và yêu cầu công tác đề ra trong Chương trình này, kết hợp với nhiệm vụ của đơn vị mình xây Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện phù hợp, đảm chất lượng và đúng thời gian quy định; có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công tác thuộc lĩnh vực được giao, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, thời hạn yêu cầu;… chịu trách nhiệm toàn diện trước Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện các nhiệm vụ Đơn vị được giao phụ trách.
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng Công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ: thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo để có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với ngành, lĩnh vực phụ trách;...
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã giao Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình hành động; Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị truyền thông thuộc Bộ, các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Chương trình hành động này.
Hạnh Lê
Bình luận