Hotline: 0941068156
Thứ ba, 07/01/2025 05:01
Thứ sáu, 03/01/2025 16:01
TMO - Với 33,5 ha rau VietGAP và 2,5 ha rau sạch trong nhà lưới, chính quyền và người dân xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất rau sạch kết hợp bảo vệ môi trường; cung cấp đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Xã Tiền Yên, có đất đai màu mỡ, phì nhiêu ven đê tả Đáy và bãi sông Đáy, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Với những điều kiện tự nhiên lý tưởng, địa phương đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ huyện Hoài Đức và TP. Hà Nội trong việc sản xuất rau xanh, phát triển nông nghiệp.
Xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) tập trung sản xuất rau VietGAP và rau sạch trong nhà lưới.
Hiện nay, toàn xã có 33,5 ha rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, cùng với 2,5 ha sản xuất rau trong nhà lưới. Hằng năm, địa phương cung cấp khoảng 12-14 tấn rau/ngày ra thị trường nội thành và các vùng lân cận.
Theo ông Nguyễn Viết Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Yên, địa phương hiện đang có 4 sản phẩm nông sản đạt chuẩn 4 sao, bao gồm: cải mơ, cải ngồng, rau dền, và rau mồng tơi. Các sản phẩm rau của người dân đều được Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra định kỳ để đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, xã Tiền Yên mạnh dạn chuyển hướng sang nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng làm phân bón hoặc thức ăn cho gia súc.
Chị Nguyễn Thị Tý, 37 tuổi, thu hoạch rau tại xã Tiền Yên, đảm bảo sản phẩm an toàn và chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Tý, 37 tuổi, hiện canh tác trên diện tích 2000 m², chủ yếu trồng rau và một ít cây ăn quả. Mặc dù tự do trong việc trồng trọt và kinh doanh, chị vẫn tuân thủ kế hoạch sản xuất theo quy định của hợp tác xã để đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Chị sử dụng phân hữu cơ, chủ yếu là phân gà tự ủ, giúp cây phát triển khỏe mạnh. Sau mỗi mùa thu hoạch, rau già, úa được xử lý thành phân bón tự nhiên, giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Thùng rác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt tại từng hộ dân trồng rau.
Ngoài việc sản xuất rau sạch, Tiền Yên còn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Để khuyến khích người dân tham gia, xã đã bố trí các thùng rác tại những vị trí thuận tiện. Mỗi hộ gia đình trong khu vườn lưới đều được cấp thùng rác chuyên dụng để bỏ các bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Khoảng 15 đến 30 ngày, Hợp tác xã sẽ đến thu gom rác thải nông nghiệp để xử lý đúng quy trình. Bên cạnh đó xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành đúng quy định.
Ông Nguyễn Khắc Bút, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, chia sẻ về những thách thức trong công tác bảo vệ môi trường.
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Khắc Bút, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên) cho biết, bên cạnh những thuận lợi, xã Tiền Yên vẫn tồn tại một số khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường. Một bộ phận người dân chưa hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, việc thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nội đồng và công tác dồn điền đổi thửa còn tồn tại nhiều bất cập.
Nhằm khắc phục những tồn đọng kể trên và nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, địa phương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Đức, cơ quan chức năng và các chuyên gia tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn, bảo vệ sức khỏe cây trồng và người sản xuất, người tiêu dùng. Ngoài ra, các quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, và các kỹ thuật sản xuất rau sạch cũng được tuyên truyền rộng rãi qua hệ thống đài truyền thanh xã và các cuộc họp cộng đồng.
Cùng với đó, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kết hợp các biện pháp sinh học và cơ học để giảm hóa chất độc hại. Địa phương cũng khuyến khích canh tác bảo tồn đất, như cày nông, luân canh, và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giữ đất tơi xốp, ngăn xói mòn và bảo vệ nguồn nước, giúp cây trồng phát triển bền vững, ông Bút chia sẻ thêm.
Cô Đức Yến (67 tuổi), thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên tưới nước cho rau.
Nhờ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác sạch, cô Đức Yến, 67 tuổi, một nông dân ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, đã giảm thiểu đáng kể việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. “Tôi rất vui khi được tham gia các khóa học này. Nhờ đó, tôi đã có thể sản xuất ra những loại rau sạch, an toàn cho gia đình và người tiêu dùng”, cô Yến bày tỏ.
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp bền vững, xã Tiền Yên đã và đang dần khẳng định vị thế của mình trong việc sản xuất rau xanh - sạch - an toàn. Sự phát triển này không chỉ giúp nâng cao đời sống cho người dân mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững trong tương lai./.
Thu Hiền - Hương Lam
Bình luận