Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ năm, 08/08/2024 14:08
TMO - Tỉnh Hòa Bình xác định việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu hiện là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu và thông lệ quốc tế, nhằm bảo đảm tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, hiện toàn tỉnh có trên 6.600 ha mía, cây ăn quả trên 10,24 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh đạt 9,2 nghìn ha; sản lượng niên vụ 2022-2023 ước đạt 21 vạn tấn, giá trị thu nhập bình quân ước đạt 330-350 triệu đồng/ha/năm. Tại các vùng trồng cam, bưởi tập trung, người dân tích cực đầu tư thâm canh, thực hiện hàng loạt các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm phục vụ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án tái canh cây ăn quả có múi. Cây ăn quả khác: Cây chuối diện tích 1.305 ha; Thanh long diện tích 145 ha; Xoài 204 ha; nhãn 1.150 ha. Cây chè: Diện tích trồng tập trung 893 ha.
Tỉnh Hòa Bình xác định, quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là điểm then chốt trong truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh khi đạt điều kiện xuất khẩu. Do đó, cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc được ngành nông nghiệp tỉnh xác định là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Những năm qua, cùng với phát triển các ngành hàng, tỉnh Hòa Bình khuyến khích, đẩy mạnh việc hỗ trợ, giám sát các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để nông sản của địa phương này được mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh có 46 mã số vùng trồng xuất khẩu và 5 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Thực hiện cấp mã số vùng trồng, năm 2023 ngành chức năng tỉnh Hòa Bình đã kiểm tra và cấp được 21 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 200 ha và 01 mã số cơ sở đóng gói được nước nhập khẩu phê duyệt. Tính đến năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 41 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích là 379 ha (01 mã số đã thu hồi).
Trong quý I/2024 đã kiểm tra và cấp được 01 mã số vùng trồng mận xuất khẩu sang thị trường EU (tại huyện Mai Châu); được Cục Bảo vệ thực vật và nước nhập khẩu cấp và phê duyệt mã số cho 01 vùng trồng bưởi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (thôn Thanh Hà, huyện Lương Sơn). Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh đã có 46 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 389,77 ha và 05 mã số cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật cấp và nước nhập khẩu phê duyệt, duy trì. Diện tích cấp mã số vùng trồng bằng 0,42% diện tích sản xuất trồng trọt (92.326 ha) trên địa bàn toàn tỉnh.
Để được cấp mã số vùng trồng cần đáp ứng các tiêu chí đối với sản phẩm như: sản xuất bảo đảm an toàn, kiểm soát sinh vật gây hại, ghi chép sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Nắm bắt những quy định đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân tuân thủ quy trình chăm sóc, bảo đảm nông sản khi cung cấp ra thị trường đạt yêu cầu, đồng thời hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh sau một thời gian thực hiện, công tác quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn nhiều khó khăn cần khắc phục như: Quy định của các nước nhập khẩu nông sản ngày càng khắt khe, thường xuyên thay đổi nên cơ quan quản lý tại địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gặp những khó khăn nhất định trong quá trình cập nhật thông tin và áp dụng thực hiện.
Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, chưa có sự chủ động trong công tác giám sát mã số được cấp theo quy định. Một số cơ sở sơ chế, đóng gói và vùng trồng xuất khẩu gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Chưa có chính sách cụ thể cho việc hỗ trợ cấp và quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Diện tích được cấp mã số vùng trồng còn quá ít so với tổng diện tích sản xuất trồng trọt toàn tỉnh (chiếm 0,42% trên tổng diện tích 92.326 ha)...
Để thiết lập được mã số vùng trồng vốn đã rất khó khăn, nhưng nếu buông lỏng quản lý và không kiểm soát tốt các đối tượng kiểm dịch thực vật thì sẽ dẫn đến tình trạng các lô hàng nông sản xuất khẩu không đáp ứng được quy định của nước nhập khẩu, làm tiềm ẩn nguy cơ giảm thị phần xuất khẩu.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu tại địa phương, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN&PTNT tỉnh) thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Sở và cấp huyện giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân bón trong quá trình canh tác và sơ chế đóng gói nông sản xuất khẩu; hướng dẫn các vùng trồng canh tác theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hỗ trợ phân tích mẫu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm trên nông sản trước khi xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.
Chi cục phối hợp trong công tác hỗ trợ cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP cho các mã số vùng trồng có nông sản xuất khẩu. Để tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý cấp và giám sát mã số cùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, thời gian tới cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền quy định của Việt Nam và các nước nhập khẩu trong công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trên các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế. Khai thác có hiệu quả các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với các mã số được cấp. Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất hoàn thiện các điều kiện về nhân lực, yêu cầu kỹ thuật, cơ sở hạ tầng của các vùng trồng và các cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm xuất khẩu...
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như: Xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand và Australia là những thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất…
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Cụ thể như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.../.
Lê Thủy
Bình luận