Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ hai, 28/03/2022 09:03
TMO - Diện tích lúa chính vụ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang trong giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh. Tuy nhiên tại các ruộng lúa đã phát hiện một số đối tượng gây bệnh như ốc bươu vàng, chuột gây hại, tập đoàn rầy, dòi đục nõn, bọ xít đen, bệnh nghẹt rễ gây hại rải rác tại tất cả các xã.
Để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo cho cán bộ các trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại các huyện tăng cường điều tra, bám sát địa bàn và dự báo sinh vật gây hại; đồng thời tập huấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên các loại cây trồng.
Trên các cánh đồng của huyện Lương Sơn, nông dân đang tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa, ngô, cây màu vụ xuân. Bà Hoàng Thị Dục, xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch cho biết, vụ Xuân năm nay, gia đình gieo trồng chủ yếu là rau màu như su su, bắp cải, cải thảo... dù trước khi gieo trồng, gia đình đã vệ sinh đồng ruộng, cây được bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, thời điểm này thời tiết thường có mưa, độ ẩm cao rất dễ xuất hiện các đối tượng sâu, bệnh hại trên rau màu như sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, bệnh thối nhũn, sưng rễ… Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ chuyên môn, gia đình thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của cây, chuẩn bị sẵn sàng vật tư nông nghiệp để kịp thời xử lý khi phát hiện sinh vật gây hại.
Trước tình trạng đang xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt những giải pháp về tăng cường phòng, chống tổng hợp tác nhân sâu keo mùa thu hại ngô và các loại cây trồng; tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và cây trồng vụ xuân 2022.
Riêng với cây ăn quả có múi giai đoạn ra hoa, đậu quả cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non. Đặc biệt, bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi chỉ đạo nông dân chăm sóc, làm cỏ, bón phân kịp thời cho diện tích lúa đã cấy và các cây trồng cạn theo đúng quy trình kỹ thuật. Bón đầy đủ cân đối giữa đạm, lân, kali, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng, khắc phục hiện tượng nghẹt rễ hạn chế sâu bệnh hại cuối vụ…
Đồng thời bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, bón phân cân đối và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, các cơ quan chuyên môn cấp huyện cần tiếp tục tăng cường điều tra, theo dõi sự phát triển, gây hại của sâu bệnh để kịp thời khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.
Kim Oanh
Bình luận