Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ sáu, 25/02/2022 13:02
TMO - Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà (thuộc tỉnh Yên Bái) có diện tích quy hoạch khoảng trên 50.000 ha, phấn đấu đến năm 2040 nơi đây sẽ là khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với nhiều loại hình du lịch.
Chính phủ vừa ban hành quyết định 234/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Theo đó, phấn đấu đưa toàn Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 có tính tích hợp, đồng bộ, kết hợp giữa phát triển du lịch và phát triển đô thị, nông thôn bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hồ đập thủy điện, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, tài nguyên, không gian cảnh quan đặc thù và nâng cao điều kiện sống của nhân dân trong vùng.
Hồ Thác Bà (Yên Bái).
Với quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 53.000 ha, dự báo đến 2030, dân số tại đây vào khoảng 260.000 - 270.000 người, đến 2040 khoảng 300.000 - 310.000 người; quy mô khách du lịch đến năm 2030 khoảng 1 triệu lượt khách, đến 2040 khoáng 2.5 triệu lượt khách.
Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà sẽ là Khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái lòng hồ Thác Bà; Là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu; có sản phẩm du lịch chủ đạo và hình thành thương hiệu cho Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà…
Chính phủ yêu cầu quy hoạch cần khai thác tối ưu tiềm năng và lợi thế của hồ Thác Bà như: giá trị cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng núi, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị phi vật thể và văn hóa tín ngưỡng, giao thông thủy bộ kết nối; Nghiên cứu tác động của tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 70, quốc lộ 37, quốc lộ 2D, sân bay… đến quá trình lập quy hoạch và định hướng phát triển để khai thác lợi thế của Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà.
Đối với định hướng tổ chức không gian mạng lưới điểm dân cư - làng bản: Cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện trạng, định hướng các không gian phát triển du lịch cộng đồng, hệ thống các công trình hạ tầng xã hội khu dân cư, làng nghề, khu vực sản xuất, khu vực cung cấp sản phẩm hàng hóa, lưu niệm đặc thù... phục vụ dân cư và phát triển du lịch; Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; Phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại (chợ, trung tâm thương mại,...) phục vụ dân cư trong vùng và khách đến du lịch tại Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà.
Đối với tính liên kết vùng, cần nghiên cứu mối liên hệ giữa phát triển du lịch vùng hồ Thác Bà với các điểm du lịch khác trong tỉnh Yên Bái, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, gồm: Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo, Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải... để đề xuất các chuỗi, tuyến du lịch của tỉnh, của vùng. Trên cơ sở đó đề xuất các định hướng phát triển không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho toàn khu.
Quốc Dũng
Bình luận