Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ ba, 15/08/2023 07:08
TMO - Thực hiện mục tiêu mỗi vùng, mỗi khu vực có một sản phẩm đặc hữu, tiến tới hình thành sản phẩm chủ lực, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua tỉnh Lai Châu đã đưa cây chanh leo vào trồng ở một số địa phương tại huyện Than Uyên, Phong Thổ...
Cây chanh leo phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho hiệu quả kinh tế rõ rệt so với những cây trồng cũ trên cùng một đơn vị diện tích, qua đó giúp bà con nông dân Lai Châu có thêm hướng đi mới, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng chanh leo trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được khẳng định sau gần 4 năm triển khai, giúp nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang huy động các nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích. Chỉ tính riêng năm 2022, đã có trên 205ha chanh leo được trồng mới.
Xã Tà Mung (huyện Than Uyên) nằm trên sườn núi Hoàng Liên Sơn, giáp Mù Cang Chải của Yên Bái, là nơi có độ cao trung bình cao nhất huyện Than Uyên (trên 1.300m so với mặt nước biển). Những năm gần đây, xã tập trung chỉ đạo bà con đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình thành công đã mang lại hiệu quả, kinh tế cao, trong đó cây chanh leo đang được bà con dân bản mở rộng diện tích. Cùng với mía tím, khoai tây, khoai lang, ngô và một số rau màu khác thì việc đưa chanh leo vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu suất sử dụng đất, đa dạng hóa sản phẩm trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp.
Trồng chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân tại xã Tà Mung. Ảnh: BC.
Từ 2020, cây chanh leo đã trồng ở xã Tà Mung, một số hộ ở bản Pá Liềng, Tà Mung, Hô Ta đã tham gia trồng thử nghiệm. Trong năm 2020 và 2021, tổng sản lượng chanh leo của xã đạt 120 tấn/năm. Ngay từ những lứa thu hoạch đầu tiên, chanh leo đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao hơn so với những cây trồng khác. Theo các hộ dân tại bản Pá Liềng, việc chuyển đổi một nương ngô hơn 7.000m2 sang trồng chanh leo, sau gần 2 năm chăm bón, vườn chanh leo đã bắt đầu cho thu hoạch. Trừ chi phí, vật tư nông nghiệp, công chăm sóc…với sản lượng thu hoạch khoảng 25 tấn quả, các hộ sản xuất lãi hơn 100 triệu đồng. So với các giống cây trồng khác, chanh leo đã khẳng định rõ hiệu quả kinh tế, lại là giống cây ngắn ngày, sớm cho thu hoạch.
Xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất nương đồi có địa hình dốc, đây là yếu tố quan trọng để lựa chọn giống cây trồng phù hợp và phát triển sản xuất nông sản theo hướng hàng hoá tập trung. Trong đó chanh leo là giống cây được ưu tiên lựa chọn
Mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn xã Bản Lang được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ triển khai thực hiện từ tháng 10 năm 2022 với diện tích 27,45ha, tăng 17,45ha so với kế hoạch ban đầu. Tham gia mô hình có 61 hộ dân ở 8 bản là Bản Lang 2, bản Pho, Nậm Lùng, Dao Chản... Trong tổng số diện tích chanh leo ở Bản Lang thì có 9ha được hỗ trợ 100% cây giống và phân bón, diện tích còn lại được hỗ trợ 70% phân bón và 100% cây giống.
Bên cạnh đó, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn các hộ tham gia mô hình kỹ thuật trồng, chăm sóc và kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của chanh leo để giúp người dân tích lũy dần kinh nghiệm. Qua theo dõi quá trình sinh trưởng thực tế của cây chanh leo, các hộ tham gia mô hình đánh giá, đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Bản Lang, cây sinh trưởng, phát triển tốt; thời gian từ khi trồng cây chanh leo cho đến lúc thu hoạch khoảng 4 đến 5 tháng cho nên khi cây chanh leo ra quả, công ty cổ phần chanh leo Lai Châu sẽ ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với mức giá dao động từ 15 đến 17 nghìn đồng/kg.
Mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Cùng với các địa phương khác, cây chanh leo được đưa vào trồng tại huyện Tân Uyên từ năm 2020. Đến nay, cây trồng này cho thấy phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Đặc biệt, chanh leo mang lại giá trị kinh tế cao, bình quân mỗi hécta cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Các hộ dân tại bản Tân Bắc, xã Pắc Ta trồng chanh leo vào cuối năm 2021 với diện tích gần 1ha. Sau hơn 1 năm chăm sóc, vườn chanh leo cho thu hoạch được khoảng 30 tấn bán cho đơn vị bao tiêu sản phẩm với giá bình quân 10.000 đồng -11.000 đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa 1 vụ trước đây. Hàng tháng bón phân đều đặn cho cây tươi tốt; hàng ngày thì cắt tỉa cành tạo độ thông thoáng. Vào mùa khô thì 2-3 ngày tưới nước 1 lần bằng hệ thống phun tự động.
Xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay vì cấy lúa 1 vụ, trồng ngô kém hiệu quả chuyển sang trồng rau màu, chanh leo có giá trị kinh tế cao hơn theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông sản. Hiện tại, toàn xã có 15 hộ ở 2 bản Tân Bắc, Sơn Hà trồng chanh leo với diện tích 4,6ha đã cho thu hoạch. Năm 2023, có 12 hộ ở 2 bản trên và bản Liên Hợp đăng ký trồng thêm chanh leo. Ngoài xã Pắc Ta, hiện nay cây chanh leo được trồng ở thị trấn Tân Uyên và các xã: Thân Thuộc, Phúc Khoa, Nậm Cần, Trung Đồng. Tổng diện tích chanh leo toàn huyện hiện có là 25,44ha được ký kết bao tiêu sản phẩm.
Việc phát triển cây chanh leo được đánh giá là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương, qua đó giúp người dân có những thay đổi về tư duy canh tác. Biết tận dụng những diện tích đất trống, kém hiệu quả để đầu tư phát triển các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó tạo sinh kế mới, giúp bà con tăng thêm thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Đức Duy
Bình luận