Hotline: 0941068156
Thứ tư, 12/02/2025 00:02
Thứ sáu, 07/02/2025 06:02
TMO - Cùng với quá trình đô thị hóa, nguồn rác thải sinh hoạt trong khu dân cư, môi trường còn bị tác động không nhỏ từ rác thải các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các làng nghề truyền thống…Trước thực trạng này Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện mô hình “ “Phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ hộ gia đình” góp phần bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh.
Xác định môi trường là một trong 19 tiêu chí quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua các cấp Hội Phụ nữ ở tỉnh Nam Định đã có những hoạt động phong phú góp phần bảo vệ môi trường của địa phương.
Bên cạnh đó, một số huyện còn hình thành các tổ phụ nữ tự quản đoạn đường xanh -sạch đẹp, bảo vệ môi trường. Qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư, thay đổi nếp sống vệ sinh gia đình, tạo cảnh quan môi trường trong lành cho vùng nông thôn.
Đáng chú ý, tỉnh Nam Định đã có nhiều buổi tập huấn, hội nghị để giúp các hội viên phụ nữ hiểu thêm các kiến thức trong công tác bảo vệ môi trường cũng như Luật Bảo vệ môi trường, trách nhiệm của công dân trong bảo vệ môi trường; hướng dẫn cách thu gom, phân loại xử lý rác thải tại nguồn; xử lý vi phạm về rác thải…
Theo chia sẻ của người dân tại xã Đồng Thịnh (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), việc triển khai mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình bằng thùng rác 2 ngăn" mang lại rất nhiều lợi ích cho gia đình, cộng đồng.
Tham gia mô hình, người dân được tặng thùng rác hai ngăn; hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ; quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại gia đình. Hàng ngày người dân tiến hành thu gom, phân loại rác thải, trong đó rác hữu cơ được cho vào thùng rác 2 ngăn hoặc hố rác đào sẵn, sau đó tưới chế phẩm vi sinh và đậy nắp. Sau khoảng 30-40 ngày, rác thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng; các loại rác vô cơ, rác thải rắn sẽ cho vào ngăn rác còn lại đem bán hoặc xử lý, tiêu hủy.
Mô hình tái chế rác thải hữu cơ của một gia đình (hội viên phụ nữ) tỉnh Nam Định.
Đây là mô hình giúp hội viên phụ nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư; biết cách phân loại rác thải, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác có lợi cho môi trường. Trước đó, vào tháng 5/2020, Hội LHPN huyện Ý Yên cũng đã phối hợp với Ban Kinh tế (Hội LHPN) tỉnh tổ chức hội nghị truyền thông về công tác bảo vệ môi trường, ra mắt mô hình “Phụ nữ chủ động thực hiện phân loại rác thải từ gia đình”.
Mô hình được triển khai điểm ở Chi hội phụ nữ 4, thôn Đông Anh, xã Yên Khang với 30 hộ gia đình đăng ký tham gia. Các hộ được nghe hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ; quy trình xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại gia đình. Nhận thấy hiệu quả của mô hình ở thôn Đông Anh, Hội LHPN tỉnh phát động nhân rộng mô hình “Phụ nữ chủ động thực hiện phân loại rác thải từ gia đình” trong toàn tỉnh.
Triển khai mô hình, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình; vận động hội viên phụ nữ tham gia thực hiện vệ sinh môi trường, phân loại rác thải; gắn thực hiện mô hình với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động bằng những việc làm cụ thể.
Đơn cử như: tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom rác thải tại nơi công cộng, tổng dọn vệ sinh các tuyến đường khu dân cư vào chiều thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần; trồng cây xanh; vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; chăm sóc các tuyến đường hoa gắn với thực hiện “Đoạn đường phụ nữ tự quản”... Để hỗ trợ mô hình hoạt động hiệu quả, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên trực tiếp hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình tại các hộ gia đình.
Hội LHPN các cấp còn tổ chức các hoạt động cho hội viên đi tham quan học hỏi các mô hình điểm; tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền bảo vệ môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải, đào hố chôn lấp rác thải hữu cơ; tặng các thùng ủ rác… Đến nay, 100% các cơ sở Hội trong tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình phụ nữ chủ động phân loại, xử lý rác thải từ gia đình hoạt động hiệu quả; tặng hàng nghìn thùng rác để các hộ gia đình phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ.
Cán bộ chức năng hướng dẫn người dân ủ rác hữu cơ.
Đặc biệt, triển khai mô hình, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, khai thác tốt các nguồn lực để xây dựng mô hình. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu triển khai tại 100% các xã, thị trấn; hỗ trợ thùng chứa rác và nắp đậy hố ủ, chế phẩm sinh học cho các thành viên với tổng kinh phí hàng tỉ đồng. Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Hưng triển khai đồng loạt tại các cơ sở Hội; Hội Phụ nữ huyện Vụ Bản phối hợp với Hội Nông dân huyện thành lập mô hình tại các xã, thị trấn, thường xuyên tổ chức các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, vỏ bao bì thực vật trên đồng ruộng.
Hội Phụ nữ huyện Xuân Trường tổ chức ra mắt mô hình “Chi hội sống xanh” tại xóm 5, xã Xuân Thượng; Hội Phụ nữ thành phố Nam Định thành lập mô hình “Phụ nữ liên kết phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường” tại các xã Mỹ Lộc, Mỹ Tân; Hội Phụ nữ xã Giao Hải (Giao Thủy) phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) khánh thành khu thí điểm phục hồi tài nguyên từ rác thải... Việc triển khai các mô hình xử lý rác thải do các cấp Hội Phụ nữ triển khai trên địa bàn tỉnh đã đem lại lợi ích cả về mặt môi trường và kinh tế.
Thông qua hoạt động của mô hình còn thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; giảm lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, giảm áp lực cho các khu xử lý rác thải tập trung... góp phần xây dựng NTM bền vững và phát triển. Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong công tác bảo vệ môi trường.
Với nhiều cách làm sáng tạo, các cấp Hội chủ động triển khai phong trào gắn với việc thực hiện các chương trình, cuộc vận động, đề án, dự án của Hội, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua việc thực hiện việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ đó giúp thay đổi hành vi vứt rác thải bừa bãi, có ý thức giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường.
Hiệu quả rõ nhất từ sau khi Hội LHPN tỉnh Nam Định triển khai đồng loạt các mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình là ý thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư về thu gom và phân loại rác thải được nâng lên. Việc thu gom và xử lý rác thải được người dân vùng nông thôn quan tâm, công tác thu gom rác dần đi vào nền nếp, hiện tượng vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định không còn.
Bên cạnh đó các điểm nóng về ô nhiễm môi trường do rác thải gây bức xúc trong nhân dân giảm đáng kể, cơ bản giải quyết được tình trạng rác thải ứ đọng, nằm lộ thiên, gây ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, mang lại môi trường xanh sạch đẹp cho các làng quê nông thôn.
Có thể nói, mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn của Hội LHPN tỉnh Nam Định đã lan tỏa sâu rộng; góp phần xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Bảo Hà
Bình luận