Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ sáu, 04/10/2024 14:10
TMO - Thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã và đang triển khai thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn từ nguồn tại một số phường, xã, bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Theo báo cáo của Phòng TN&MT TP.Vũng Tàu, đến nay trên địa bàn thành phố đã triển khai phân loại rác tại nguồn rộng rãi đến tất cả các xã, phường. Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai các văn bản, thành lập nhóm Zalo để hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện phân loại rác tại nguồn với sự tham gia của 112 trường học (63 trường mầm non, 31 trường tiểu học, 18 trường trung học); 5 trung tâm thương mại, siêu thị (Co.opmart, Lotte, Mega Market, Lapen, Lam Sơn Square); 96 cửa hàng tiện ích thuộc các chuỗi cửa hàng: Vinmart, Familymart, Circle K; các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị thành phố.
Phường 7 là nơi được TP.Vũng Tàu thí điểm mô hình phân loại rác tại công sở và 9 khu phố. Tại mỗi khu phố, Ban điều hành bố trí một lồng sắt để chứa chai nhựa, giấy và các loại rác có thể tái chế từ người dân. Ngoài tạo thói quen cho người dân phân loại rác tại nguồn mô hình này còn giúp khu phố có thêm nguồn quỹ tặng quà cho người nghèo, hộ khó khăn.
Trường Tiểu học Long Sơn (TP.Vũng Tàu) triển khai phân loại rác thải tại nguồn.
Trong quá trình triển khai phường 7 đã thu được khoảng 3.150kg chất thải rắn có khả năng tái chế, số tiền bán chất thải tái chế bình quân mỗi tháng đạt khoảng 1,8 triệu đồng, được sử dụng để duy trì các hoạt động của tổ dân cư, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Chị Trần Thị Mai, khu phố 9, phường 7, TP.Vũng Tàu chia sẻ: "Tôi và những người trong gia đình đã dần thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng túi nilon, chủ động phân loại rác trong quá trình sinh hoạt. Cá nhân tôi khi đi chợ, túi nilong nhiều thì tôi sẽ hạn chế lại bằng cách mang theo giỏ nhựa. Đối với những bịch nilon mình mua về mà có thể sử dụng được thì mình sử dụng lại và hạn chế tối đa việc thải những bịch nilon đó ra ngoài môi trường".
UBND TP.Vũng Tàu cho biết, qua quá trình triển khai thí điểm, đa số người dân, học sinh tại một số trường học tham gia hưởng ứng tích cực, nhận thức của những người dân được nâng lên rõ rệt khi được tiếp cận kiến thức tuyên truyền về phân loại rác. Thành phố đã xây dựng kế hoạch chia làm các giai đoạn cụ thể để triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn từ nguồn.
Theo đó, thành phố tập trung triển khai tuyên truyền, phân loại rác tại trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TP.Vũng Tàu, các trường học, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố. Trong đó, UBND phường 7, UBND phường Thắng Tam được giao triển khai thực hiện Mô hình điểm về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để làm cơ sở đánh giá kết quả và triển khai trên toàn địa bàn trong giai đoạn tiếp theo. Đầu tháng 11/2024, thành phố sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc phân loại chất thải rắn từ nguồn.
Phường 9 phát động phong trào phân loại rác tại nguồn thành 3 loai: rác thải tái chế, rác hữu cơ và rác khác. Ảnh: QV.
Theo UBND TP.Vũng Tàu, để tiếp tục giữ vững Danh hiệu thành phố du lịch sạch ASEAN thì kế hoạch phân loại chất thải rắn từ nguồn và công tác chỉnh trang đô thị thành phố đang thực hiện giữ vai trò quan trọng, là chìa khóa để thắng lợi các mục tiêu, là nhiệm vụ trọng tâm về môi trường trong năm 2024 và các năm tiếp theo của thành phố.
Hiện trên địa bàn TP.Vũng Tàu phát sinh khoảng 410 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, nhưng chỉ có khoảng 15% được tái chế hoặc tái sử dụng, số còn lại được chôn lấp hoặc đốt, trong khi rác thải nhựa có thời gian phân hủy lên đến hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm. TP.Vũng Tàu, phấn đấu đến cuối năm 2024 triển khai đồng bộ phân loại rác tại nguồn đến toàn thể người dân trên địa bàn và tiên phong trong toàn tỉnh.
Phân loại rác thải tại nguồn thì sẽ phân ra những loại chất thải mà có thể tái chế được, để sử dụng lại nhằm giảm thiểu nguồn đó đi ra môi trường. Rác thải hữu cơ có thể sử dụng vào mục đích trồng trọt. Những nguồn rác không thể tái sử dụng thì mới thực hiện thu gom và xử lý. Đó là một trong những mục tiêu giảm rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống.
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sự phát triển về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Do đó, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được phân loại đạt trên 30% và đạt 50% vào năm 2030.
Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch riêng, sẵn sàng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Phòng TN&MT huyện Châu Đức cho biết, mỗi ngày huyện Châu Đức phát sinh khoảng 91 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tương ứng với 33.215 tấn/năm. Trong đó, khối lượng rác sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 78 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 85,71%. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên toàn huyện, các xã đã chủ động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân giảm thải rác tại nguồn, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.../.
Vũ Huy
Bình luận