Hotline: 0941068156

Thứ ba, 08/07/2025 15:07

Tin nóng

Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm các dòng sông ở Hà Nội

Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh là nền tảng của mọi chính sách phát triển

Đưa Hải Phòng trở thành một cực tăng trưởng năng động, hiện đại, xanh và bền vững

BRICS và các nước phương Nam cần đẩy mạnh hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển

Khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy làm 8 người thiệt mạng ở TP. HCM

Cư xá ở TP. HCM bốc cháy dữ dội trong đêm, nhiều người thiệt mạng

Dự báo xuất khẩu sầu riêng tươi khả năng phục hồi từ tháng 8/2025

Chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tư vấn kỹ thuật cứu Cây Di sản gãy đổ

Vi phạm về môi trường trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 7,52%

10 nổi bật về kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm có thể đạt trên 7,5% đến 7,6%, cao nhất trong gần 20 năm

Ra mắt các nền tảng số phục vụ triển khai Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ

Nghị quyết 57 có ý nghĩa chiến lược, định hình con đường phát triển nhanh và bền vững

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp

Mức giá điện gió ngoài khơi tối đa từ hơn 3.000 đến gần 4.000 đồng/kWh

Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo nên một khối thống nhất bền chặt

Danh sách Bí thư, Chủ tịch 23 tỉnh, thành mới sau sáp nhập

Công bố sáp nhập đơn vị hành chính và chỉ định nhân sự

Tiếp tục phát động, triển khai tích cực các phong trào thi đua yêu nước

Thứ ba, 08/07/2025

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá tầm lồng trong ao

Thứ ba, 22/08/2023 14:08

TMO - Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nuôi cá tầm chủ yếu theo các hình thức như nuôi nước chảy trong bể xi-măng, lồng trên hồ chứa, nuôi nước chảy trong ao lót bạt... Gần đây, mô hình nuôi cá tầm lồng trong ao được triển khai và mang lại hiệu quả.

Tại Lâm Đồng, với điều kiện khí hậu thuận lợi, việc nuôi cá tầm đã được triển khai gần 15 năm qua với 3 hình thức nuôi chủ yếu gồm: nuôi nước chảy trong bể xi măng, nuôi lồng trên hồ chứa và nuôi nước chảy trong ao lót bạt. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vùng nhiệt độ có thể nuôi cá tầm có phạm vi khá lớn, ước tính hơn 60% diện tích của tỉnh và phân bổ ở các huyện: Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc. Hiện cá tầm thương phẩm của Lâm Đồng chiếm hơn 60% sản lượng cá tầm của cả nước.

Tuy nhiên, việc nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh hiện nay đối diện với nhiều khó khăn. Theo đó, một trong những khó khăn trong phát triển nghề nuôi cá tầm là nguồn nước ở các sông, suối đầu nguồn cung cấp cho nuôi cá tầm gần như đã bị khai thác hết. Ngoài ra, các hồ chứa cũng hạn chế về quy mô do sức tải môi trường. 

Nuôi cá tầm trong ao đất được đánh giá là mô hình triển vọng trong nuôi trồng cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung (tại huyện Đức Trọng) cho biết, các hồ chứa nhỏ, các ao đất rất phù hợp về nguồn nước, nhiệt độ để nuôi cá tầm, nhưng chưa được khai thác. Vì vậy, Trung tâm đã xây dựng đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ nuôi cá tầm thương phẩm “lồng trong ao đất” và đạt kết quả khả quan. Theo đó, đối tượng nghiên cứu  là cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baerii) với thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023.

Các ao nuôi áp dụng thực hiện mô hình có diện tích 2.000 m2/ao và mực nước trong ao duy trì khoảng 1,7 m. Phần đáy ao được vét sạch bùn, san phẳng và phơi khô cứng. Bờ ao được gia cố theo dạng mái taluy rồi phủ bạt HDPE và lắp đặt hệ thống cống cấp, thoát nước cho ao nuôi. Kích thước mương nuôi được thiết kế với chiều dài 25 m, rộng 5 m, sâu 1,8 m và xây dựng kiên cố bằng bê tông. Phần đáy mương cao hơn đáy ao 20 cm và có độ dốc đáy khoảng 2% nghiêng về cuối mương. Mực nước trong mương nuôi luôn đảm bảo 1,5 m.

Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung đã xây dựng mô hình với 3 mương và nuôi theo mật độ khác nhau bao gồm 10 con, 13 con, 16 con/m2. Nhiệt độ trung bình khoảng 22 độ C, hàm lượng ô xy hòa tan được đảm bảo bằng hệ thống sục khí. Hệ thống sục khí cũng tạo ra dòng chảy qua mương nuôi, tạo môi trường tương tự như công nghệ nuôi bể nước chảy tự nhiên.

Hệ thống quạt nước được lắp đặt để bổ sung khí ôxy, đảm bảo sự phát triển của cá. Ảnh: BNN. 

Theo phân tích của Trung tâm, ở hệ thống này, thức ăn dư thừa và các chất thải của cá được tách khỏi hệ thống nuôi, nên không bị ô nhiễm hữu cơ. Ngoài ra, việc tự xử lý môi trường nước trong ao, biến ao nuôi thành hệ sinh thái cân bằng ổn định trong suốt quá trình nuôi nên chủ động được nguồn nước tuyệt đối, không lệ thuộc nguồn nước bên ngoài cũng như thải nước ra bên ngoài, do đó kiểm soát được chất lượng môi trường, bệnh trong và ngoài hệ thống nuôi.

Mô hình lồng trao ao cũng cho quản lý, kiểm soát về môi trường, phân cỡ cá và xử lý bệnh cá dễ dàng. Việc thu hoạch cá thương phẩm được chủ động theo nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, ít phải thay nước nên chủ động nguồn nước. Mô hình cũng giúp cách ly bệnh dịch, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế triệt để việc xói mòn đất, ô nhiễm nước.

Theo phân tích và so sánh, như nuôi cá trắm cỏ, thời gian nuôi đến khi thu hoạch phải mất 2 năm, trên diện tích 1.000m2 cho sản lượng khoảng 1 đến 1,5 tấn; với giá bình quân từ 60 đến 70 nghìn đồng/kg, đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng. Trong khi nuôi cá tầm trên cùng diện tích, sản lượng đạt khoảng 1,5 tấn và mang lại doanh thu đến 300 triệu đồng. 

Nhiều chuyên gia đánh giá, mô hình nuôi cá tầm lồng trong ao đất là hướng đi nhiều triển vọng, giúp các hộ nuôi  khắc phục được các yếu tố bất lợi về nguồn nước, môi trường và chi phí đầu tư. Việc tiếp cận công nghệ đơn giản, nhưng bảo đảm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và được áp dụng cho nuôi thủy sản ngoài trời.

Nghề nuôi cá nước lạnh tại tỉnh Lâm Đồng được thực hiện theo Đề án nuôi thử nghiệm cá nước lạnh từ năm 2006, đến năm 2013 sản phẩm cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cá nước lạnh Đà Lạt” đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc để sản phẩm cá nước lạnh được vận chuyển, tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Hiện nay, toàn tỉnh có 54 cơ sở nuôi cá tầm (25 trang trại của 15 doanh nghiệp, hợp tác xã và 39 cơ sở quy mô hộ gia đình; có 04 trang trại nuôi cá tầm lồng bè trên hồ chứa của doanh nghiệp (Hồ Kala, hồ thủy điện Đồng Nai 4 (huyện Di Linh); hồ Đa Klông Thượng (huyện Bảo Lâm); hồ thủy điện Đa Khai (huyện Lạc Dương), tập trung tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và TP. Đà Lạt với diện tích khoảng 53 ha ao, bể (27.000m2) và khoảng 270 lồng (135.000m3) nuôi cá tầm, sản lượng cá tầm ước đạt khoảng 1.500 tấn.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị chủ động đầu tư trang thiết bị sản xuất giống và nhập khẩu trứng giống điểm mắt tự ấp nở và ương nuôi phục vụ cho kế hoạch sản xuất cá thịt thương phẩm của đơn vị và cung ứng giống cho các doanh nghiệp khác không có điều kiện về tự sản xuất giống.

Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý và kỹ thuật để cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cá nước lạnh và các doanh nghiệp chủ động trong việc nghiên cứu sản xuất con giống, kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về nguồn gốc tự nhiên để đầu tư, phát triển nghề nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh. 

 

 

Minh Hậu 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline