Hotline: 0941068156
Thứ năm, 26/12/2024 18:12
Thứ bảy, 07/12/2024 06:12
TMO - Mô hình ngư dân mang rác thải về bờ tại tỉnh Phú Yên đã góp phần tích cực trong công cuộc bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm rác thải nhựa tại các vùng biển. Những hành động này đã giúp hệ sinh thái biển kiểm soát lượng rác thải, nhất là lượng rác thải nhựa đối với đại dương.
Tỉnh Phú Yên hiện có hơn 2.380 tàu cá đăng ký hoạt động khai thác trên biển, trong đó hơn 660 tàu hoạt động khai thác xa bờ. Từ tháng 5/2024, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với các các sở Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã triển khai mô hình "Vận động ngư dân mang rác vào bờ". Với mô hình Ngư dân đưa rác về bờ, cứ sau mỗi chuyến đánh bắt trở về, bên cạnh nguồn lợi hải sản, ngư dân Phú Yên còn mang theo hàng chục ký rác vào bờ để tập kết, xử lý. Đến nay, mô hình đã đạt nhiều kết quả thiết thực, đông đảo bà con ngư dân đồng tình ủng hộ.
Theo chia sẻ của một số ngư dân tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, trước đây, đa số ngư dân có thói quen vứt rác xuống biển, do nghĩ rằng biển sẽ phân hủy toàn bộ. Nhưng từ khi tham gia mô hình này, các ngư dân trên tàu đều nhận thấy tác hại của rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.
Ngoài dụng cụ là túi lưới đựng rác được cấp phát, tàu của các ngư dân đã thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt, ngư cụ bị rách, hư hỏng trên tàu đưa vào bờ xử lý. Bình quân mỗi chuyến biển, tàu cá của ngư dân mang vào bờ từ 15-20kg rác thải các loại, trong đó hơn một nửa là rác thải nhựa như chai nước, túi ni lông, lưới rách...
Vừa cập cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) sau hơn một tháng khai thác thủy sản trên biển), một số ngư dân thuộc TP.Tuy Hoà chia sẻ, trong đợt ra biển này tàu của ngư dân thu gom được hơn 10 kg rác thải trong quá trình đánh bắt trên biển. Sau đó ngư dân sẽ đưa số rác thải này tập kết tại các thùng rác do Ban Quản lý cảng cá Đông Tác bố trí sẵn để xử lý.
Trước đây, rất ít ngư dân quan tâm đến việc thu gom. Rác thải sinh hoạt như chai nhựa, vỏ lon, bao ni lông, ngư lưới cụ hay đồ dùng hư hỏng đều bị vứt xuống biển với số lượng rất nhiều. Do vậy, nếu mỗi người đều ý thức được việc thu gom dù ít hay nhiều đều giúp môi trường biển sạch hơn.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân mang rác thải từ biển vào bờ, việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các khu vực lồng bè nuôi thuỷ sản ở Phú Yên cũng được triển khai thực hiện quyết liệt. Được biết Vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, thuộc thị xã Sông Cầu và một phần huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), có gần 4.000 hộ dân nuôi trồng thủy sản với tổng cộng hơn 140.000 lồng bè nuôi. Thống kê của chính quyền cho thấy khu vực này có số lượng lồng bè nhiều gấp 3,8 lần so với quy hoạch, dẫn đến nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước.
Điều này cũng dẫn đến tình môi trường nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mới nhất, chỉ trong tháng 5 và 6-2024, tại vùng nuôi trồng thủy sản ở thị xã Sông Cầu đã xảy ra hai vụ tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt. Tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng.
Nguyên nhân chính được cơ quan chức năng xác định là do ô nhiễm môi trường nước. Theo nhận định của một số hộ dân nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài, cho biết từ khi biết nguyên nhân làm tôm, cá chết là do ô nhiễm nguồn nước, người dân đã ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh tại khu vực lồng bè của mình. Người dân đã chú trọng kiểm soát lượng thức ăn vừa đủ để không quá dư thừa tràn ra môi trường. Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh lồng bè, thu gom rác thải xung quanh tập kết đem vào bờ tiêu hủy.
Hưởng ứng mô hình Ngư dân mang rác thải về bờ, ngư dân tỉnh Phú Yên đã thu gom được rất nhiều rác thải, chai lọ…trong quá trình khai thác trên biển. (Ảnh minh hoạ: P.N).
Theo Ban Quản lý các cảng cá Phú Yên, mô hình Ngư dân đưa rác về bờ được đơn vị triển khai từ tháng 5-2024, tại bốn các cảng cá lớn là Đông Tác, Phú Lạc, Tiên Châu và Dân Phước. Ngoài tuyên truyền, cơ quan chức năng còn tiến hành cho ngư dân, chủ tàu cá, hộ nuôi thủy sản ký cam kết thực hiện mô hình, thu gom rác thải. Đến nay, có khoảng 340 tàu cá ký cam kết tham gia thực hiện.
Ban quản lý cũng hỗ trợ mỗi tàu cá tham gia hai túi lưới để đựng rác thải. Lãnh đạo Ban Quản lý các cảng cá Phú Yên, cho biết đến nay đa phần ngư dân trên địa bàn đều hưởng ứng tích cực mô hình Ngư dân đưa rác về bờ. Hàng tấn rác thải đã được ngư dân thu gom, đưa về bờ, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa. Trong khi đó, lãnh đạo UBND thị xã Sông Cầu cho biết đã chỉ đạo cho cơ quan, đơn vị liên quan triển khai phương án thu gom xử lý chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông.
Kể từ khi triển khai mô hình Ngư dân đưa rác về bờ đến nay, 100% hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bảy xã, phường thuộc thị xã Sông Cầu cam kết tham gia. Người dân sẽ thu gom, đem tất cả rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển vào bờ để xử lý. Cơ quan chức năng cũng đã xây dựng 54 điểm tập kết rác thải tại những khu vực ven biển để người dân bỏ rác và sau đó có công nhân môi trường đến thu gom.
Lãnh đạo UBND thị xã Sông Cầu, cho biết để triển khai phương án thu gom xử lý rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận cùng thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành cũng chú trọng thực hiện phương án giao mặt nước biển cho người dân nuôi trồng thủy sản.
Qua đó, giúp người dân yên tâm nuôi trồng, đồng thời có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi của mình. Cùng với công tác thu gom, xử lý rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, hiện Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đang trình UBND tỉnh phê duyệt đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, địa phương đang tiến hành quy hoạch chi tiết vùng nuôi, sắp xếp và giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân để có sự tham gia quản lý, giám sát chặt chẽ và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Mô hinh Ngư dân đưa rác thải về bờ là một Chương trình có tầm nhìn dài hạn với mong muốn xây dựng năng lực cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không còn rác nhựa trên biển, trên đại dương, thông qua truyền thông và giáo dục, triển khai các hoạt động nhằm chặn tối đa lượng rác nhựa bị thất thoát ra môi trường, đồng thời tăng cường việc thu hồi, tái chế, tái sử dụng nguồn tài nguyên từ rác trong mô hình kinh tế tuần hoàn. Mỗi ngư dân khi tham gia mô hình Ngư dân đưa rác về bờ mặc dù chỉ thực hiện những hành động nhỏ nhưng đã góp phần rất lớn bảo vệ đại dương xanh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Đình Tú
Bình luận