Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 12:01
Thứ năm, 27/06/2024 13:06
TMO - Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, giúp gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã ở tỉnh Quảng Nam đã giúp tạo nên chuỗi sản xuất – tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị cho nông sản địa phương.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh về chính sách phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tính đến cuối năm 2023 trên địa bàn Quảng Nam đã có 81 dự án liên kết, kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết (gọi chung là dự án liên kết) được phê duyệt. Các dự án liên kết đã thu hút 80 hợp tác xã và 73 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi (trong đó có 75 hợp tác xã và 6 doanh nghiệp làm chủ trì dự án) với 17.261 hộ dân; tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi.
Việc liên kết sản xuất giữa nông dân và các công ty nông nghiệp góp phần đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn. Ảnh: BQN.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh, việc hợp tác, liên kết sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; nâng cao thu nhập cho các bên tham gia liên kết; tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. việc tổ chức sản xuất liên kết cũng góp phần xây dựng, củng cố và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp; khuyến khích, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các ngành hàng, sản phẩm chủ lực; xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản, là cơ sở để triển khai chương trình OCOP.
Tại huyện Đại Lộc, hiện nay trên địa bàn huyện có tổng cộng 4.250ha đất lúa. Trong đó, khoảng 90% diện tích đã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất để hình thành cánh đồng mẫu lớn. Đại Lộc trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa giống của Quảng Nam với diện tích khá lớn.
Riêng vụ Đông Xuân vừa qua, thông qua các HTX nông nghiệp, nông dân toàn huyện liên kết với hơn 15 công ty sản xuất 1.450ha hạt giống lúa thuần và 250ha hạt giống lúa lai F1 các loại. Trong đó, thị trấn Ái Nghĩa và các xã Đại Đồng, Đại Minh, Đại Quang, Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Thắng là những địa phương có nhiều diện tích. liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa thuần, thu nhập của nông dân Đại Lộc tăng khoảng 25 - 30% so với gieo sạ lúa thường; còn nếu sản xuất hạt giống lúa lai F1 thì thu nhập tăng gấp 4 - 5 lần
Tại thị xã Điện Bàn, địa phương này đã tổ chức liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chủ yếu là sản xuất lúa giống, ngô giống với 15 đơn vị, tổng diện tích hàng năm hơn 1.000 ha lúa giống. Sau gần ba năm thực hiện, đến nay thị xã đã có năm dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm, chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Trong định hướng phát triển, thị xã Điện Bàn tăng diện tích sản xuất lúa giống lên 1.500-2.000 ha và trở thành vùng chuyên sản xuất, cung ứng lúa giống và hàng hóa nông nghiệp mở rộng thị trường trong nước.
Mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng ớt xuất khẩu giúp nông dân xã Duy Châu (Duy Xuyên) có nguồn thu nhập cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, mức hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết còn thấp. Cơ chế quản lý tài sản sau khi dự án hỗ trợ áp dụng cũng phức tạp. Liên kết sản xuất trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã với nông dân hay giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp chưa bền chặt; giá cả thị trường luôn biến động; thủ tục thanh quyết toán các nguồn kinh phí còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp…
Trước thực tế trên để tiếp tục thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng ruộng, cơ giới hóa, tưới tiêu khoa học; mở rộng diện tích các cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật, cánh đồng có thu nhập cao để liên kết sản xuất.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn việc thành lập mới các hợp tác xã, là cầu nối quan trọng giữa người dân và doanh nghiệp. Quảng Nam đã lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn khuyến nông, khuyến công; vốn đầu tư kiên cố hóa kênh mương, vốn hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ theo các quy định hiện hành cho việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; cải tiến và nâng cao chất lượng đồng bộ để đáp ứng các yêu cầu trong liên kết.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm. UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài chính - kế hoạch tăng cường hướng dẫn, chủ trì liên kết thực hiện tốt công tác thanh quyết toán các nguồn vốn; khẩn trương phân bổ kinh phí từ đầu năm; giải ngân kinh phí đúng mục đích, nội dung, đối tượng theo các quy định hiện hành của Nhà nước; đảm bảo việc quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí được giao; trường hợp không thực hiện hết thì đề xuất chuyển trả vốn kịp thời để bố trí cho địa phương khác.
Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, đặc biệt quan tâm tuyên truyền các mô hình, dự án liên kết sản xuất có hiệu quả bằng nhiều hình thức như thông qua báo, đài… nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân và thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết.../.
Thu Giang
Bình luận