Hotline: 0941068156
Thứ hai, 02/12/2024 20:12
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
TMO - Tận dụng đất bãi bồi ven sông màu mỡ, người dân sống quanh khu vực bãi bồi tại tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh trồng các loại cây phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, như trồng cỏ Nhật, hoa màu,… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Tỉnh Nam Định có 28 bối nằm dọc theo các tuyến sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đào với tổng diện tích khoảng 5.220ha, trong đó diện tích đất canh tác ngoài bãi trên 3.320ha. Với lợi thế về đất đai màu mỡ, thời gian qua người dân sinh sống quanh khu vực bãi bồi ven sông thuộc các huyện: Vụ Bản, Xuân Trường, Nam Trực… đã có nhiều cách làm sáng tạo, khai thác được tiềm năng đất đai, hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng cây thích hợp, ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới.
Đáng chú ý, người dân khu vực ven các bãi bồi tại tỉnh Nam Định đã tận dụng nguồn đất phù sa màu mỡ thường xuyên được bồi đắp bởi các dòng sông, để phát triển mạnh các loại cây trồng đặc trưng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Đơn cử tại xã Nam Thắng, huyện Nam Trực có khoảng 150 ha diện tích đất bãi bồi ven sông Hồng, những năm trước đây, vùng đất này được người dân trồng các loại cây rau màu như ngô, lạc, đậu tương, trồng dâu nuôi tằm.
Tuy nhiên do hiệu quả kinh tế không cao, từ năm 2011, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn đưa giống cỏ Nhật về trồng thử, nhận thấy loại cỏ này phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao, người dân đã dần chuyển hẳn sang trồng cỏ Nhật. Lãnh đạo UBND xã Nam Thắng cho biết, hiện nay toàn xã có khoảng 100 ha diện tích trồng cỏ Nhật với trên 300 hộ tham gia canh tác, loại cỏ này đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống trước đó.
Nắm bắt được nhu cầu sử dụng cỏ Nhật cho công trình công cộng, khuôn viên khách sạn, nhà hàng, các sân golf… rất cao nên đầu ra của loại cỏ này tương đối ổn định. Giá cỏ Nhật hiện dao động từ 13.000 - 17.000 đồng/m2; thời điểm chính vụ như giáp Tết hoặc sau Tết Nguyên đán, giá có thể lên đến 22.000 - 28.000 đồng/m2. Thông tin từ một số người dân trồng cỏ chia sẻ, với khoảng 1.000 m2 diện tích trồng cỏ, nếu người dân chăm sóc tốt, một năm có thể thu hoạch được 4 lứa cỏ.
Đặc biệt, sau khi thu hoạch cỏ sẽ tự mọc lại từ bộ rễ dưới đất nên không phải đầu tư nhiều về giống, người trồng chỉ cần định kỳ bón phân, tưới nước giữ độ ẩm cho cây và phun thuốc bảo vệ thực vật đúng thời kỳ. Theo nhận định từ người dân, nghề trồng cỏ Nhật phát triển mạnh tại vùng bãi bồi trên địa bàn này từ năm 2015, nếu so với nghề trồng dâu nuôi tằm trước đây, trồng cỏ Nhật đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 10 lần, nhiều gia đình giàu lên từ trồng cỏ.
Mặt khác, trồng cỏ cũng tạo ra việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 700.000 - 800.000 đồng/người/ngày từ việc đánh cỏ, vận chuyển cỏ thuê. Bên cạnh đó, với lợi thế vùng đất bãi ven sông Hồng phì nhiêu, màu mỡ, phù hợp với các loại hoa, từ nhiều năm nay, người dân xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định đã mạnh dạn chuyển đổi, thay thế các giống hoa truyền thống bằng các loại giống mới chất lượng cao.
Bên cạnh đó sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, áp dụng phương pháp trồng hoa trên chậu, trong nhà kính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài trồng cỏ, canh tác hoa cũng được người dân xã Mỹ Tân chú trọng triển khai. Toàn xã có trên 1.350 hộ dân tham gia trồng hoa với diện tích khoảng 250 ha, thu nhập từ trồng hoa đạt 650 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ với diện tích đất trồng lớn có thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Vùng đất bãi bồi ven sông có độ phì nhiêu, màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân canh tác, sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ).
Nghề trồng hoa đã giúp nhiều hộ dân tại đây vươn lên làm giàu, bộ mặt giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng thay đổi. Để hỗ trợ người dân thuận lợi trong việc buôn bán, vận chuyển hoa, xã Mỹ Tân đã nâng cấp, mở rộng và cứng hoá mặt đê, mở chợ hoa ngay trên đê để thuận tiện cho việc buôn bán.
Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân, hợp tác xã trồng hoa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đồng thời công khai danh sách các cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh buôn bán các loại hoa để người mua dễ dàng tìm kiếm, trao đổi thông tin. Lãnh đạo UBND xã Mỹ Tân cho biết, địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng các giống hoa mới, kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Xã cũng phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân vay vốn mở rộng sản xuất, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các vùng đất bãi những năm gần đây phát triển mạnh với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Để tiếp tục khai thác tiềm năng vùng đất bãi, người dân cần mạnh dạn đưa vào trồng thêm các giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao hiệu quả.
Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích bà con mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời giúp bà con tìm nguồn tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị của các loại cây hoa màu. Trước giá trị sản phẩm sản xuất cây trồng tại vùng đất bãi cao gấp từ 2 – 2,5 lần so với canh tác truyền thống, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh, đồng thời chỉ đạo các địa phương chuyển đổi sản xuất trên vùng đất bãi phù hợp với điều kiện địa phương và tập quán canh tác của người dân. Mục tiêu hướng đến, khai thác và nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế trên vùng bãi ven sông.
Tuấn Mạnh
Bình luận