Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/04/2025 02:04
Thứ bảy, 29/03/2025 06:03
TMO - Hoạt động phân loại rác thải tại nguồn được nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn chú trọng thực hiện thông qua nhiều mô hình, cách làm linh hoạt góp phần đáng kể vào việc giảm lượng rác thải, thay đổi nhận thức và thói quen của người dân trong công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt.
Công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết, nhằm giảm thiểu chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và tạo ra nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được. Đặc biệt, lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%) là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân bổ dưỡng và thân thiện với môi trường.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các mô hình phân loại rác tại nguồn, đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Người dân nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, giảm chi phí xử lý rác thải và tạo được nguồn phân bón hữu cơ phục vụ cây trồng. Các mô hình này đã luôn được địa phương phát huy và nhân rộng. Đơn cử tại huyện Phú Giáo, huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực trong quản lý và bảo vệ môi trường, đặc biệt là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Hiện 11/11 xã, thị trấn của huyện đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Công trình công cộng huyện để thu gom, vận chuyển rác thải đúng quy trình. Lãnh đạo UBND thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, cho biết, phân loại rác thải không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn cần sự chung tay của toàn dân.
Nếu mỗi gia đình thay đổi thói quen, môi trường sống sẽ được cải thiện đáng kể. Đến nay, mô hình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được nhân rộng khắp các khu phố của thị trấn. Mô hình này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Cùng với Phú Giáo, huyện Bàu Bàng cũng đang đẩy mạnh thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn để giảm áp lực lên hệ thống xử lý rác thải, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo chia sẻ của người dân, cùng với việc tuyên truyền qua loa phát thanh, các cuộc họp dân, Ban Điều hành ấp còn đến từng khu nhà trọ để hướng dẫn chủ nhà trọ và người ở trọ bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác. Nhiều chủ nhà trọ đã trang bị thùng rác phân loại và nhắc nhở người thuê trọ giữ vệ sinh chung. Theo lãnh đạo xã Hưng Hòa, dù còn không ít khó khăn nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành trong xã và sự hưởng ứng của người dân, tỷ lệ thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã hiện nay đạt 100%, góp phần giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Trên địa bàn xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng hiện có 42 trang trại chăn nuôi gia súc.
Người dân Bình Dương đã thực hiện tốt việc phân loại rác thải ngay tại các hộ gia đình. (Ảnh: BYB).
Để không gây ô nhiễm môi trường, các trang trại chăn nuôi đã thực hiện nghiêm túc việc thu gom và xử lý nước thải bằng hệ thống khép kín, kết hợp công nghệ biogas, bảo đảm không để nước thải chảy tràn ra môi trường, tránh gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến khu dân cư. Hệ thống thoát nước mưa và nước thải tại các trang trại chăn nuôi được tách biệt, giúp duy trì vệ sinh môi trường.
Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã đạt 99%; có 68% hộ gia đình chủ động phân loại rác hữu cơ để bón cho cây trồng và tái chế rác vô cơ; tỷ lệ tái chế rác thải nhựa đạt 95%... Góp phần thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trừ Văn Thố đã triển khai mô hình thu gom phế liệu để vừa bảo vệ môi trường vừa gây quỹ hỗ trợ hội viên và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trừ Văn Thố, cho biết mô hình này không chỉ lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Mỗi tháng, các chị em tranh thủ thời gian đến từng nhà thu gom phế liệu, sau đó bán lấy kinh phí để giúp đỡ những hoàn cảnh cần hỗ trợ trên địa bàn. Địa phương đang từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.
Dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, xã đang nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Để hỗ trợ người dân trong công tác xử lý rác thải nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Giáo đã khảo sát và lắp đặt 12 hố chứa rác trên toàn địa bàn để thu gom bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng với đó xây dựng một nhà chứa rác tập trung để bảo đảm rác thải được thu gom và xử lý theo quy định. Đây là một bước đi quan trọng để bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Dương, thời gian qua ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương khuyến khích các tổ chức kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ bảo vệ môi trường; cùng với đó huy động nguồn lực xã hội cùng nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, thu gom, xử lý tái chế chất thải, giữ gìn, tôn tạo cảnh quan, môi trường ở khu dân cư... Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, phân loại rác thải tại nguồn không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Việc thu gom, xử lý rác thải hiệu quả giúp giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng sống cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất đai.
Để triển khai phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 627/KH-UBND ngày 11/2/2025 về việc xây dựng quy trình, quy định và đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan ban ngành Bình Dương chú trọng triển khai.
Trong đó chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm như Xác định khối lượng, thành phần chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở xây dựng quy định và quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Xây dựng quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Ban hành quy định thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương;
Xây dựng, ban hành giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy trình, quy định và đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trường hợp hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo đúng quy định sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, dự kiến thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 01 tháng 6 năm 2025.
Mục đích của Kế hoạch là nhằm phát huy các kết quả đạt được trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại địa phương trong thời gian qua; đồng thời, kiện toàn lại mô hình quản lý, mạng lưới hệ thống thu gom, vận chuyển, tập kết và trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt để đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý/tái chế chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn theo quy định.
Bên cạnh đó tăng cường tái sử dụng, tái chế và đổi mới công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, kết hợp thu hồi năng lượng, hướng đến chấm dứt việc chôn lấp chất thải trực tiếp; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Việc triển khai thực hiện tốt Kế hoạch 627/KH-UBND ngày 11/2/2025 và các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương đồng nghĩa với việc nâng các giá trị nhận thức, hành động mang tính cộng đồng, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển một nếp sống xanh, sống văn minh và bền vững trong chuỗi kinh tế tuần hoàn.
Trần Quân
Bình luận