Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Chủ nhật, 28/07/2024 13:07
TMO - Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã triển khai, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để cảnh báo sớm tình hình thời tiết, thiên tai. Qua đó, nâng cao chất lượng dự báo, kịp thời hỗ trợ chính quyền, người dân trong trong tác chủ động, ứng phó với thiên tai.
Sơn La là một trong những tỉnh thành thường xuyên phải hứng chịu hậu quả nặng nề do sạt lở, lũ quét gây ra. Thông tin từ Văn phòng thường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết, từ ngày 22/7 đến ngày 24/7, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, khiến nhiều người tử vong và mất tích, gần 400 ngôi nhà bị hư hỏng, sạt lở nhiều tuyến đường tỉnh lộ...Ước tính thiệt hại gần 73 tỷ đồng.
Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cảnh báo, dự báo sớm các loại hình thiên tai. Thông tin từ Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học, công nghệ thông tin, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng chính xác, hiệu quả. Nhờ đó, các ngành, đơn vị, địa phương có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người do thiên tai.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh được đặt tại trụ sở Chi cục Thủy lợi. Vào thời gian cao điểm mưa lũ, đơn vị sẽ phân công cán bộ, nhân viên trực 24/24 để cập nhật, tổng hợp tình hình, báo cáo cấp trên chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó, bảo đảm dự báo sát với diễn biến.
Đại diện phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La cho biết, thời điểm trước năm 2021, Phòng trực ban chỉ được trang bị một chiếc ti vi, một điện thoại bàn và một máy tính. Sau khi nhận thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc qua email, các cán bộ của văn phòng phải nhập thủ công trên máy, rồi đánh dấu trên bản đồ giấy, rất khó khăn cho công tác chỉ đạo, ứng phó.
Tuy nhiên hiện nay văn phòng thường trực được trang bị hệ thống thiết bị họp trực tuyến cùng các trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ công tác trực ban, tham mưu và chỉ đạo, điều hành; 2 ti vi màn hình lớn có kết nối internet liên tục cập nhật thông tin từ hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam; hệ thống đo mưa chuyên dùng, ứng dụng cung cấp dịch vụ theo dõi dự báo thời tiết toàn cầu; hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thủy lợi (bản đồ, hồ chứa, mực nước, quy trình vận hành) theo thời gian thực, giúp công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai được chính xác, hiệu quả.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai đòi hỏi tỉnh Sơn La cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm để chủ động phương án ứng phó.
Ngoài ra, các website đều được tích hợp tính năng số hóa, lưu trữ để tạo thành bộ cơ sở dữ liệu trong công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, việc kết nối phòng họp trực tuyến của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, các huyện, thành phố để tổ chức các cuộc họp khẩn khi có thiên tai, lũ lụt xảy ra, góp phần thông tin nhanh chóng kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo.
Với hệ thống máy tính được kết nối internet, các công điện, chỉ đạo về ứng phó với thiên tai được triển khai rộng rãi chỉ trong thời gian ngắn. Thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, chỉ cần có kết nối internet, ở bất kỳ đâu, cán bộ, nhân dân đều có thể cập nhật, theo dõi tình hình diễn biến thiên tai để đưa ra phương án chỉ đạo và ứng phó sát với thực tế.
Cùng với đó trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 45 trạm đo mưa tự động; 5 trạm thủ công đo mực nước và cảnh báo lũ; hai trạm quan trắc khí tượng tự động phục vụ dự báo, cảnh báo mưa lớn, rét đậm, rét hại, băng giá tại huyện Bắc Yên và Vân Hồ. Các trạm được kết nối với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Có 86 đập, hồ chứa đã lắp đặt thiết bị quan trắc; hai đập, hồ chứa lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng và hai đập lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du.
Thông qua các thiết bị, dữ liệu được truyền về máy chủ đặt tại Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cơ quan quản lý có thể qua máy tính, điện thoại hoặc các trang web chuyên ngành, để truy cập theo dõi tình hình công trình, có phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra tình huống bất thường.
Theo các chuyên gia, Việt Nam được nhận định là một trong các quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hiện nay thiên tai ngày càng biến đổi dị thường, không theo quy luật, cường độ thiên tai ngày càng tăng. Đặc biệt Sơn La là một trong số những tỉnh thành thường xuyên phải hứng chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Do đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo sớm là yếu tố quan trọng để tỉnh Sơn La có thể giảm thiểu tối đa, hạn chế thấp nhất rủi ro thiên tai trên địa bàn.
Thu Thủy
Bình luận