Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ hai, 22/11/2021 13:11
TMO - Các trạm quan trắc thủy văn tự động độc lập (không cần quan trắc viên) hiện chiếm tỉ lệ khoảng 40% so với tổng số trạm thủy văn.
Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), mạng lưới trạm thủy văn quốc gia hiện có 406 trạm, trong đó số trạm thủy văn truyền thống có quan trắc viên là 242 trạm; số trạm thủy văn tự động độc lập là 164 trạm.
Cụ thể, hệ thống trạm truyền thống có quan trắc viên hiện có 242 trạm, trong đó có 70 trạm hạng I quan trắc 6 yếu tố; 24 trạm hạng II quan trắc 5 yếu tố và 148 trạm hạng III quan trắc 4 yếu tố với tổng số quan trắc viên là 747 người.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Các trạm truyền thống chủ yếu là phương tiện quan trắc thủ công, tỷ lệ phương tiện quan trắc tự động trong các trạm truyền thống còn thấp, đạt 56,6 %. Cụ thể, có 90 trạm tự động 2 yếu tố mực nước và lượng mưa; 25 trạm quan trắc tự động yếu tố mực nước; 6 trạm lưu lượng tự động; 16 trạm quan trắc tự động yếu tố lượng mưa. Một số trạm được trang bị phương tiện quan trắc bán tự động, gồm 29 thiết bị đo bằng công nghệ ADCP và 7 thiết bị đo bằng công nghệ cáp tuần hoàn.
Đối với hệ thống trạm tự động, hiện trên mạng lưới thủy văn quốc gia có 164 trạm thủy văn tự động (độc lập) gồm: 156 trạm quan trắc mưa và mực nước, 8 trạm quan trắc mực nước; 15 trạm thủy văn lồng ghép tài nguyên nước (độc lập) được đầu tư từ dự án ODA Italia II; 8 trạm thủy văn lồng ghép tài nguyên nước (độc lập) được đầu tư từ dự án WB Mê Công được bàn giao cho Tổng cục KTTV quản lý, vận hành và khai thác; 10 trạm giám sát tài nguyên nước (độc lập) được đầu tư từ dự án WB Mê Công được bàn giao cho Tổng cục KTTV quản lý, vận hành và khai thác.
Hiện nay, các trạm thủy văn tự động được lắp đặt từ các dự án đầu tư đồng bộ với số lượng trạm lớn, hoạt động tương đối ổn định với tỷ lệ đạt khoảng trên 90%, số liệu quan trắc cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho công tác dự báo.
Về mật độ trạm thủy văn, hiện nay, trên toàn quốc có 94 trạm thủy văn đo lưu lượng (70 trạm hạng I, 24 trạm hạng II) truyền thống, do đó mật độ phân bố của 94 trạm đo lưu lượng nước trên 9 hệ thống sông chính (Hồng, Thái Bình, Kỳ Cùng - Bằng Giang, Mã, Cả, Thu Bồn, Ba, Đồng Nai, Cửu Long) khoảng 3.525 km2/trạm.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới trạm thủy văn trong thời gian tới, ngành KTTV xác định, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các quy định kỹ thuật lắp đặt và quan trắc lưu lượng nước bằng thiết bị tự động theo nguyên lý không tiếp xúc (RQ30, RQ50...); công nghệ quan trắc mực nước bằng camera ứng dụng AI và các công nghệ hiện đại khác để có thể ứng dụng rộng rãi trên mạng lưới nhằm thay thế dần các phương tiện đo thủ công và phát triển mạng lưới quan trắc mới đảm bảo tính tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu số liệu phục vụ dự báo số và đẩy nhanh tiến trình tự động hóa mạng lưới trạm.
Đồng thời, ngành KTTV nghiên cứu định hướng cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới trạm với mật độ phù hợp, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu phục vụ điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo và phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới mạng lưới trạm có tính tự động hóa cao theo các lộ trình cụ thể. Xây dựng cơ chế thu hút và tái đào tạo đối với nguồn nhân lực có chuyên ngành điện tử viễn thông, công nghệ thông tin để đáp ứng được nhu cầu quản lý, vận hành mạng lưới trạm trong tiến trình tự động hóa và mở rộng mạng lưới quan trắc.
Rà soát, đánh giá cụ thể khả năng di chuyển của một số trạm thủy văn trong diện bị tác động do quy hoạch thủy điện và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để kịp thời tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành và hài hòa với lợi ích của địa phương.
PV
Bình luận