Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ ba, 19/12/2023 08:12
TMO - Người dân Palestine ở Dải Gaza đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, nhất là tình trạng thiếu nước sạch.
Xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7/10 vừa qua không chỉ gây tổn thất lớn về người và tài sản, mà còn tác động xấu đến kinh tế của Palestine và Israel. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong số 36 bệnh viện ở Gaza, có 11 bệnh viện đang hoạt động cầm chừng, trong đó chỉ có vỏn vẹn một bệnh viện ở phía bắc.
Theo Liên Hợp Quốc, tình trạng thiếu nước sạch, thuốc men và quá đông đúc ở phía nam dải đất đang gây ra cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe tồi tệ ở Gaza; các bệnh dịch, trong đó có nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và thủy đậu lây lan nhanh chóng. Cơn mưa mùa đông xuất hiện khiến cuộc sống của hàng trăm nghìn người đang phải trú ẩn trong những căn lều tạm bợ càng trở nên tồi tệ. Phần lớn trong số 2,3 triệu dân ở dải Gaza đã trở thành người vô gia cư.
Người Palestine xếp hàng chờ lấy nước tại Khan Younis, phía nam Dải Gaza.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 1 triệu trẻ em tại Dải Gaza đang sống trong tình trạng thiếu nước sạch. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tử vong vì bệnh tật, đặc biệt đối với nhóm trẻ sơ sinh. Hiện nay, nguồn cung nước ở Dải Gaza chỉ bằng 5% so với thời điểm trước cuộc xung đột.
Xung đột cũng gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại dải đất này. Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật của Chính quyền Palestine, bà Rula Maayah cho biết, ngành du lịch Palestine ước tính thiệt hại 200 triệu USD vào cuối năm nay do tác động của xung đột Israel - Hamas. Theo Bộ trưởng Rula Maayah, “ngành công nghiệp không khói” của Palestine chịu thiệt hại trung bình 2,5 triệu USD/ngày kể từ khi xung đột leo thang. Thành phố Bethlehem ở Bờ Tây, vốn là điểm thu hút đông đảo du khách vào dịp Giáng sinh, đang chứng kiến cảnh vắng vẻ, đìu hiu.
Trong khi đó, Cục Thống kê Trung ương Israel công bố số liệu cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11 vừa qua giảm đáng kể. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Israel tháng qua chỉ đạt 4,91 tỷ USD, giảm 18,39% so cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất thuộc lĩnh vực hóa chất, dược phẩm và kim cương. Kim ngạch nhập khẩu ở mức 6,42 tỷ USD, giảm 21,78% so cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nhập khẩu giảm chủ yếu là quần áo, đồ dùng gia đình, nguyên liệu thô và nhiên liệu...
Minh Vân
Bình luận