Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 17:11
Thứ hai, 13/11/2023 11:11
TMO - Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và trong độ tuổi lao động, đảm bảo thực hiện được hợp đồng khoán và không là thành viên trong hộ gia đình hoặc cộng đồng dân cư thôn đã nhận khoán theo quy định đều có thể nhận khoán bảo vệ rừng.
Theo đó, Điều 2 Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương (xã, phường, thị trấn) theo quy định của Luật Cư trú năm 2006; cộng đồng dân cư thôn theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Luật Đất đai năm 2013 nơi có đối tượng khoán.
(Ảnh minh họa)
Về bảo đảm các tiêu chí bên nhận khoán bảo vệ rừng, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP quy định: Bên nhận khoán quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và trong độ tuổi lao động, đảm bảo thực hiện được hợp đồng khoán và không là thành viên trong hộ gia đình hoặc cộng đồng dân cư thôn đã nhận khoán theo quy định; Hộ gia đình nhận khoán có thành viên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và trong độ tuổi lao động, đảm bảo thực hiện hợp đồng khoán và không là thành viên của cộng đồng dân cư thôn đã nhận khoán theo quy định;
Cộng đồng dân cư thôn nhận khoán đảm bảo đủ điều kiện về tổ chức, nhân lực, vật lực để thực hiện hợp đồng khoán; Trường hợp số cá nhân, hộ gia đình đề nghị nhận khoán lớn hơn nhu cầu khoán, thì bên khoán ưu tiên khoán cho cá nhân, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; cá nhân, hộ gia đình người Kinh nghèo.
Hạn mức khoán bảo vệ rừng, thực hiện theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP: Đối với khoán công việc, dịch vụ hạn mức khoán do bên khoán và bên nhận khoán thỏa thuận. Trường hợp khoán ổn định theo chu kỳ sản xuất kinh doanh, bên khoán căn cứ vào quy mô diện tích khoán và nhu cầu của bên nhận khoán để thỏa thuận và xác định hạn mức khoán phù hợp, trong đó: Hạn mức khoán cho cá nhân theo thỏa thuận, nhưng không quá 15 héc ta; Hạn mức khoán cho hộ gia đình theo thỏa thuận, nhưng không quá 30 héc ta; Hạn mức khoán cho cộng đồng dân cư thôn theo thỏa thuận, nhưng tổng diện tích khoán không vượt quá tổng diện tích bình quân mỗi hộ gia đình trong cộng đồng không quá 30 héc ta tại thời điểm hợp đồng khoán.
Về trình tự, thủ tục, hồ sơ khoán bảo vệ rừng, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP quy định: Khoán công việc và dịch vụ: Bên khoán và nhận khoán thỏa thuận ký hợp đồng khoán theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Khoán ổn định lâu dài: Công bố công khai thông tin về khoán: Bên khoán phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng khoán thông tin rộng rãi, niêm yết công khai trong thời gian 15 ngày làm việc về diện tích khoán, đối tượng khoán, thời gian nhận hồ sơ khoán tại trụ sở của bên khoán và UBND cấp xã.
Hồ sơ nhận khoán gồm: Đơn đề nghị nhận khoán; Biên bản họp thôn (đối với cộng đồng dân cư thôn): Gồm nội dung thống nhất đề nghị nhận khoán; cử người đại diện giao kết hợp đồng; Bản sao chụp sổ hộ khẩu; giấy chứng nhận hộ nghèo. Đối với cộng đồng dân cư thôn gồm danh sách các thành viên và bản sao chụp sổ hộ khẩu của các cá nhân và hộ gia đình trong cộng đồng.
Về tiếp nhận và xét duyệt đề nghị nhận khoán, bên nhận khoán gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho bên khoán 01 bộ hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày bên khoán thông báo cho bên nhận khoán để hoàn thiện hồ sơ. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ, bên nhận khoán thực hiện xét duyệt hồ sơ nhận khoán theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định này và niêm yết công khai danh sách đối tượng được nhận khoán tại trụ sở của bên khoán và UBND cấp xã. Sau 10 ngày kể từ ngày niêm yết danh sách đối tượng được nhận khoán, bên khoán và bên nhận khoán tổ chức thương thảo và ký kết hợp đồng khoán bàn giao diện tích khoán ngoài thực địa.
MINH ĐOÀN
Bình luận