Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 22/02/2025 20:02
Thứ bảy, 22/02/2025 06:02
TMO - UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn 7 quận, huyện, thành phố trực thuộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Cụ thể, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 218/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại quận An Dương, thành phố Thủy Nguyên và các huyện: Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải.
Hiện nay, thực trạng tỉ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường tại TP. Hải Phòng còn rất khiêm tốn. Ước tính lượng nước thải sinh hoạt, cơ quan hành chính sự nghiệp, dịch vụ thương mại, sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ 7 địa phương trên khoảng hơn 147.000 m3/ngày đêm. Phần lớn nước thải sinh hoạt từ hộ gia đình hay các cơ quan, các cơ sở dịch vụ, thương mại được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại trước khi xả ra môi trường.
Trong các địa phương nêu trên có 6 trạm xử lý nước thải có công suất nhỏ (5 trạm đang hoạt động, Trạm xử lý nước thải Khe Sâu không hoạt động). Tổng công suất thiết kế của các trạm xử lý nước thải hiện trạng là 4.641m3/ ngày đêm. 2 trong 5 trạm xử lý hoạt động chưa đủ công suất, công suất vận hành trạm xử lý nước thải thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng) chỉ bằng khoảng 10-12% công suất thiết kế, công suất vận hành trạm xử lý nước thải Minh Đức (Thủy Nguyên) chỉ bằng khoảng 7-10% công suất thiết kế.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước thải không về được trạm xử lý hoặc về với lưu lượng nhỏ chủ yếu do hệ thống thu gom nước thải chưa đảm bảo cao trình, chưa đấu nối hoàn chỉnh từ hộ gia đình vào mạng lưới đường cống chính.
Do vậy, lượng nước thải thực tế được xử lý bằng các trạm xử lý nước thải chỉ chiếm khoảng 2% lượng nước thải phát sinh. Từ thực tế này, UBND TP Hải Phòng phê duyệt đề án, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt quận An Dương, TP Thủy Nguyên và 5 huyện Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 (điều chỉnh tên Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn Hải Phòng đến năm 2023 tại Quyết định 634 ngày 13.3.2023 của UBND thành phố).
Nước thải sinh hoạt là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tự nhiên.
Mục tiêu chung là cụ thể hóa định hướng thoát nước, thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn các huyện (trừ Bạch Long Vĩ) thuộc thành phố Hải Phòng, phù hợp với các quy hoạch liên quan, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách về thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hải Phòng.
Làm cơ sở nghiên cứu triển khai các dự án xây dựng mới, cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hải Phòng. Làm cơ sở, định hướng cho kế hoạch phát triển nông thôn mới.
Về mục tiêu cụ thể: Đánh giá tình hình thoát nước hiện trạng một cách tổng thể thông qua công tác khảo sát hiện trạng và cập nhật thông tin từ các dự án liên quan; Xây dựng giải pháp toàn diện về thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng:
Cải thiện điều kiện vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường nước một cách bền vững thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống thoát nước thải. Tạo lập công cụ góp phần công tác quản lý thoát nước bền vững và phù hợp với quy hoạch;
Từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn một cách tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; Đề xuất dự án ưu tiên theo yêu cầu thoát nước với từng khu vực nông thôn; Đề xuất kế hoạch thực hiện và phân tích hiệu quả tài chính các đề xuất dự án.
Ngoài ra, đề án còn nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách về thu gom, xử lý nước thải. Trong đó, đến năm 2030, thành phố tập trung đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải để giải quyết bức xúc ô nhiễm môi trường của các khu vực trong hệ thống thoát nước, ô nhiễm nguồn nước.
Trong đó, ưu tiên triển khai đầu tư sớm các trạm thuộc lưu vực ảnh hưởng tới nguồn cấp nước ngọt cho các nhà máy nước sạch, các khu vực phát triển đô thị mới. Sau năm 2030, thành phố tiếp tục nâng công suất các trạm đã đầu tư trước năm 2030 theo quy hoạch và đầu tư các trạm còn lại. Riêng đối với quận An Dương và huyện Kiến Thụy, các trạm xử lý nước thải cục bộ sẽ cải tạo thành trạm bơm trung chuyển để bơm về các trạm xử lý nước thải tập trung.
Phương án thu gom nước thải sinh hoạt sẽ góp phần nâng cao môi trường sống của Nhân dân trên địa bàn thành phố. (Ảnh minh hoạ).
Về giải pháp, đưa các lưu vực thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, tiêu thủ công nghiệp không nguy hại, thương mại, dịch vụ có công suất vừa và nhỏ thu gom nước thải từ các khu vực dân cư tập trung gần nhau, tránh các tuyến cống thu gom cắt qua các tuyến đường quốc lộ, đường lớn và các tuyến sông, kênh lớn;
Các trạm xử lý nước thải thuộc khu vực đã được quy hoạch thu gom về nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, sau khi khi hình thành nhà máy xử lý nước thải tập trung thì sẽ được coi như là trạm xử lý nước thải sinh hoạt sơ bộ bậc 1. Nước sau xử lý sơ bộ sẽ được kết nối vào hệ thống thu gom chuyền về nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của thành phố thuộc khu vực đó và sẽ được xử lý ở bậc cao hơn.
Phù hợp với việc kết nối với khu vực dân cư hiện hữu và phát triển mới theo quy hoạch sử dụng đất; Giảm tối đa chiều dài tuyến cống thu gom nước thải và hạn chế đặt trạm bơm nước thải;
Ưu tiên lựa chọn vị trí các trạm xử lý nước thải đã được quy hoạch theo Quy hoạch sử dụng đất; Lựa chọn vị trí trạm xử lý nước thải mới vào các vị trí ô đất Quy hoạch cây xanh, gần các nguồn xả như kênh, sông, hồ hiện có hoặc quy hoạch; Áp dụng công nghệ xử lý một cách hợp lý và phù hợp với điều kiện của từng khu vực để nâng cao khả năng thu gom và xử lý nước thải, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Triệt để khai thác các điều kiện tự nhiên để giảm bớt yêu cầu xử lý, giảm giá thành xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải sau xử lý. Ưu tiên đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu dân cư tập trung đã và đang hình thành theo tiến độ xây dựng đô thị hóa.
UBND thành phố Hải Phòng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra và xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao, trong đó, có liên quan đến hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo nội dung của đề án đã được phê duyệt.
Giao Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong việc thoát nước trên địa bàn thành phố và quản lý đất đai cũng như các nội dung theo chức năng nhiệm vụ, đảm bảo phù hợp với nội dung của đề án.
UBND thành phố Hải Phòng cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường và giảm thiểu tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân các đô thị tạo điều kiện hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại thành phố Hải Phòng.
Nguyễn Lan
Bình luận