Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 18:11
Thứ tư, 16/10/2024 06:10
TMO - Dịch lở mồm long móng gia súc phát sinh tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang có nguy cơ lây lan rộng gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến sản xuất trên địa bàn.
Qua theo dõi, nắm tình hình, từ ngày từ ngày 17-9 đến ngày 6-10, dịch lở mồm long móng trên trâu, bò xảy ra tại 4 xã Kỳ Bắc, Kỳ Đồng, Kỳ Giang, Kỳ Khang của huyện Kỳ Anh làm 56 con trâu, bò (trâu 8 con, bò 48 con) của 30 hộ gia đình ốm, chết (số gia súc chết 6 con tại 3 xã Kỳ Giang, Kỳ Khang, Kỳ Đồng) buộc tiêu hủy, khối lượng 1.380kg.
Ngoài ra, vùng bị uy hiếp dịch gồm các xã: Kỳ Phong, Kỳ Xuân, Kỳ Tiến, Kỳ Phú, Kỳ Thọ và Kỳ Trung. Vùng đệm gồm các xã: Kỳ Văn, Kỳ Thư, Kỳ Hải, Kỳ Tân và Kỳ Tây. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện Kỳ Anh giao các phòng chuyên môn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã thực hiện nghiêm Luật Thú y và áp dụng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh theo quy định. Tính đến ngày 6-10, toàn huyện Kỳ Anh đã tiêm được 5.291 liều vaccine lở mồm long móng. Riêng tại địa bàn 4 xã có phát sinh dịch đã tiêm phòng bao vây chống dịch được 1.029 liều vaccine; sử dụng 140 lít hóa chất, 1.195kg vôi bột để thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường tại các xã có dịch và xã bị uy hiếp.
Công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò đang được huyện Kỳ Anh tập trung thực hiện quyết liệt.
Hiện, công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò đang được huyện Kỳ Anh tập trung thực hiện quyết liệt. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; tạm dừng hoạt động giết mổ trâu, bò tại các xã Kỳ Bắc, Kỳ Đồng và buôn bán trâu, bò tại xã Kỳ Tiến. Ngày 11/10, địa phương vừa công bố dịch đối với bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò tại địa bàn các xã Kỳ Bắc, Kỳ Giang, Kỳ Đồng và Kỳ Khang.
Để kịp thời khống chế, dập tắt các ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc phát sinh trên địa bàn và chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi; xét đề nghị của Sở NN&PTNT tại Văn bản số 3256/SNN-CNTY ngày 9/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành chức năng khẩn cấp tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh LMLM;
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2024 và chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016, Văn bản số 7057/BNN-TY ngày 20/9/2024 của Bộ NN&PTNT và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật.
Đối với huyện Kỳ Anh và địa phương đang có ổ dịch phát sinh: khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình, diễn biến, công bố dịch bệnh và tập trung các nguồn lực, tổ chức chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, nội dung phòng, chống bệnh LMLM tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT và các hướng dẫn của ngành chuyên môn để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan diện rộng.
Đối với các huyện, thành phố, thị xã còn lại: Tổ chức kiểm tra, rà soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên toàn địa bàn đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các ổ dịch trên gia súc, gia cầm; thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh gia súc, gia cầm từ cơ sở ngay từ khi mới phát sinh ổ dịch.
Khẩn trương tổ chức, triển khai và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh đợt 2 năm 2024 cho đàn vật nuôi; đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm phòng, hoàn thành trước ngày 30/10/2024 theo Kế hoạch số 491/KH-UBND ngày 9/11/2023 của UBND tỉnh.
Các địa phương triển khai công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. (Ảnh minh hoạ).
Thông tin, tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh; các quy định, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, chủ động phòng bệnh; không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh...
Tăng cường công tác quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Huy động tối đa lực lượng cán bộ chuyên môn, người hành nghề thú y tham gia tiêm phòng, hướng dẫn chăm sóc, chữa trị và theo dõi giám sát dịch bệnh tại cơ sở. Bố trí kinh phí và các nguồn lực đảm bảo để tổ chức, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh và công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Báo cáo tình hình, diễn biến và kết quả thực hiện phòng, chống dịch, tiêm phòng đợt 2/2024 về Sở NN&PTNT (trước 16h30 hằng ngày) để tổng hợp, tham mưu, báo cáo Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh theo quy định.
Giám đốc Sở NN&PTNT: Chủ động nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến dịch bệnh, phối hợp với các Sở, ngành chức năng theo dõi, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh và tham mưu vật tư, dụng cụ, hóa chất, để ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Tổng hợp tình hình, kết quả phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng và báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2024 trên địa bàn tỉnh; tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản năm 2025 (hoàn thành trước 15/11/2024) báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo và báo cáo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT theo quy định.
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) trong 9 tháng năm 2024, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi diễn biến khá phức tạp: dịch tả lợn Châu Phi (1.135 ổ dịch, tiêu huỷ 69.023 con lợn), dịch viêm da nổi cục trên trâu bò (110 ổ dịch, tiêu huỷ 122 con trâu bò), dịch lở mồm long móng gia súc (64 ổ dịch, tiêu huỷ 158 con gia súc), dịch cúm gia cầm (9 ổ dịch, tiêu huỷ 85.885 con gia cầm) và có 224 ổ bệnh dại trên động vật...
Linh Nga
Bình luận