Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ ba, 05/12/2023 19:12
TMO - Trước tình trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân thu gom, phân loại rác thải.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân
Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, nhằm giảm thiểu áp lực cho công tác xử lý rác thải. Theo đó, ngành chức năng các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác đổ rác thải sinh hoạt đúng giờ, đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện thu gom. Bên cạnh đó là chính sách khuyến khích đối với các hộ gia đình, tổ chức thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn như động viên, kích lệ, biểu dương, hỗ trợ chế phẩm trong trường hợp ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, hỗ trợ xây dựng hố ủ phân từ rác hữu cơ…Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội các cấp theo thẩm quyền trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác thu gom, phân loại rác tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi từ lâu thói quen của nhiều người dân là đổ chung tất cả các loại rác – bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… vào một túi/ thùng rác. Bên cạnh đó, tình trạng rác thải vứt bừa bãi ra môi trường xung quanh như: sông, rạch, ao, hồ, đường ngõ hay bất kỳ một chỗ đất trống nào đó...vẫn còn tái diễn làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, mất mỹ quan và không tận dụng được các nguyên liệu có thể tái sinh.
Thực tế trên cho thấy, việc nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác thu gom, phân loại rác là yêu cầu cấp thiết. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn làm giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Giảm lượng rác chôn lấp tiết kiệm tài nguyên đất, giảm ô nhiễm môi trường, tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng tận dụng, tiết kiệm tài nguyên. Mang lợi ích kinh tế cho gia đình, gây quỹ cho hoạt động cộng đồng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội.
Hội phụ nữ xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên phát động phong trào phân loại rác thải tại hộ gia đình
Đặt mục tiêu triển khai đồng loạt
Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng loạt phân loại rác tại nguồn ở tất cả các địa phương, tăng lượng chất thải thu hồi để tái chế hoặc chế biến chất thải hữu cơ (ở đô thị là 10% và ở nông thôn là 30% và tăng cao hơn nữa trong các năm tiếp theo). Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện đang đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn.
Hội phụ nữ phường Kỳ Liên phát động phong trào nói không với túi nilon rác thải nhựa.
Chị Trương Thị Lượng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Với sự vào cuộc tích cực của chị em phụ nữ, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, tạo thói quen cho hội viên, phụ nữ và người dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Cùng với đó, các cấp Hội đã tham mưu hỗ trợ xây dựng hố ủ phân hữu cơ, các dụng cụ ủ phân, phân loại rác; sử dụng chế phẩm sinh học để ủ phân vi sinh làm phân bón.
Bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng, chung tay xây dựng cảnh quan môi trường. Nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả trong toàn tỉnh, như: "Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu"; "Nhà sạch, vườn đẹp"; Chi hội "5 không 3 sạch", “ngôi nhà xanh”; “Biến rác thải nhựa thành tiền”; “Biến phế liệu thành thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiết kiệm, con giống”; ...
Chị Lượng cho biết thêm: Đến nay khoảng gần 60% hộ gia đình hội viên phụ nữ thực hiện phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình đảm bảo đúng quy định; gần 50.000 hộ gia đình đạt tiêu chí “Nhà sạch, vườn đẹp” và “3 sạch”; gần 1.000 mô hình “Ngôi nhà xanh” với số tiền thu được từ nguồn bán phế liệu trên 1 tỷ đồng; gần 8.000 hộ gia đình được quyết định công nhận “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”. Đặc biệt, Trung bình mỗi năm hỗ trợ xây dựng gần 20.000 hố rác, hố ủ phân có sử dụng chế phẩm sinh học và gần 12.000 hố thu gom và xử lý nước thải; trên 1.500 mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học".
Người dân dần tạo thói quen phân loại rác tại hộ gia đình nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Theo thống kê đến nay huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) hiện nay trong tổng số 22 xã trên địa bàn huyện thì 13 xã có trên 70 % số hộ dân đồng tình và đã tham gia phân loại rác tại nguồn, trong đó có những xã đạt trên 80%. Với mục tiêu cuối cùng là giảm rác thải đưa đi xử lý, các hộ dân có thêm rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng. Nhận thấy cách làm hiệu quả, nên các cấp, cách ngành và các tổ chức đoàn thể huyện tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình, phổ biến trong nhân dân.
Tại huyện Đức Thọ, để giảm áp lực cho vấn đề rác thải hiện nay trên địa bàn, huyện cũng đã chủ động thực hiện kế hoạch tuyên truyền vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bên cạnh đó hỗ trợ bằng chính sách xây dựng mô hình xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học làm phân vi sinh. Với cách làm này, trong gần ba năm đã xây dựng được gần năm nghìn mô hình xử lý rác trên toàn huyện.
Hội phụ nữ xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn) xây dựng ngôi nhà xanh gây quỹ.
Chị Hoàng Thị Quế - Chủ tịch Hội phụ nữ phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh cho biết: Để thực hiện chương trình phân loại rác thải tại hộ gia đình, chúng tôi đã tập huấn cho các chi hội, xây dựng mô hình điểm. Nói không với rác thải nhựa, lúc mới bắt đầu thực hiện phân loại rác thì cũng không mấy để ý, nhưng rồi dần dần tạo thành thói quen và thấy gọn gàng hơn nhiều, lượng rác thải cũng ít đi. Nhiều loại rác hữu cơ được ủ thành phân bón. Bên cạnh đó công tác thu gom chưa được đồng bộ. Trước đây có kế hoạch thứ 2, thứ 4 thu gom rác thải nhựa khó phân huỷ, thứ 3, thứ 5 thu gom rác phân huỷ nhưng bây giờ lại thu gom chung.
Mặc dù còn có nhiều bất cập và hạn chế, khó khăn, tuy nhiên để nhân rộng mô hình phân loại rác thảỉ trên toàn tỉnh cũng như mục tiêu triển khai đồng bộ. Các cấp chính quyền phải thực sự hành động quyết liệt để có hiệu quả từ trong mỗi các nhân, mỗi hộ gia đình. Nhằm góp phần bảo vệ môi trường, giảm tác động xấu lên môi trường.
Hà Tĩnh: Nan giải trong vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt
Bài, ảnh: Xuân Bắc
Bình luận