Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 03:01
Thứ bảy, 22/04/2023 13:04
TMO – Liên quan đến hệ thống điện, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 16 vụ cháy lớn, 11 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, (chiếm 35,4% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng); 325 vụ cháy trung bình, 1.207 vụ cháy nhỏ; làm 34 người chết, 62 người bị thương; thiệt hại tài sản khoảng 180 tỷ đồng.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP. Hà Nội), từ năm 2018 đến nay, trong tổng số 2.044 vụ cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội thì có 1.562 vụ có liên quan đến hệ thống điện (chiếm 76,4% tổng số vụ cháy). Cụ thể là có 16 vụ cháy lớn, 11 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, (chiếm 35,4% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng); 325 vụ cháy trung bình, 1.207 vụ cháy nhỏ; làm 34 người chết, 62 người bị thương; thiệt hại tài sản khoảng 180 tỷ đồng. Ngoài ra còn 2.470 vụ chập điện trên cột, đường dây dẫn điện trên cột và 1.852 vụ sự cố chập điện trong nhà. 3.041 vụ, sự cố chập điện trên cột, đường dây dẫn điện.
Nguyên nhân cháy, nổ của hệ thống điện bên trong nhà, công trình là do việc thiết kế lựa chọn dây dẫn lắp đặt, thiết bị bảo vệ trong nhà, thiết bị sử dụng điện không được kiểm soát, tính toán và lựa chọn phù hợp đúng theo các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật điện hạ áp. Hệ thống điện sử dụng tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, nhà ở hộ gia đình về mặt kỹ thuật quy định trong thiết kế lắp đặt phải có điều chỉnh phù hợp để đảm bảo an toàn trong sử dụng, nhưng phần lớn chủ hộ, chủ đầu tư không nắm được các yêu cầu về quy định sử dụng điện an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế lắp đặt nên không có kiểm soát cho người tư vấn thiết kế, thậm chí không thiết kế, lắp đặt theo chủ quan; không lựa chọn được các thiết bị điện lắp đặt đúng quy chuẩn, quy cách trong khi thiết bị sử dụng điện thì đa dạng.
Phòng chống cháy nổ từ hệ thống điện
Ngoài ra, thiết bị bảo vệ nguồn điện (aptomat) đặc biệt quan trọng không được tính toán kỹ, lựa chọn phù hợp với khả năng cắt dòng điện nên khi có sự cố chạm chập, thiết bị bảo vệ không cắt được nguồn dẫn đến duy trì dòng điện phát nhiệt cao sinh ra cháy. Sự phát triển thiết bị sử dụng điện trong nhà tăng liên tục do điều kiện, đòi hỏi nhu cầu sử dụng, sinh hoạt, sản xuất ngày càng cao trong khi hệ thống điện đã lắp đặt trước đó chưa được hoặc khó nâng cấp, dây dẫn, thiết bị điện qua thời gian chất lượng đã xuống cấp dẫn đến quá tải, những vị trí xung yếu phát nhiệt dẫn đến chạm chập gây cháy.
Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội cũng nhận định, ý thức một bộ phận người dân còn chủ quan, thiếu ý thức, không ngắt các thiết bị điện không cần thiết ra khỏi nguồn điện khi không ở nhà hoặc quên không ngắt thiết bị sử dụng điện đang vận hành công suất cao khi ra khỏi nhà gây ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến sử dụng điện.
Đối với hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ xen cài trong khu dân cư, tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện là rất phổ biến. Tuy nhiên lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không quản lý trực tiếp, không kiểm tra thường xuyên, trong khi đó quy định của ngành điện lực không quản lý, kiểm tra việc sử dụng điện an toàn của cơ sở, hộ gia đình (sau công tơ). Đây là nguyên nhân tiềm ẩn tiềm ẩn nguy cơ gây chập, cháy đường dây dẫn điện, các thiết bị tiêu thụ, bảo vệ điện.
Đối với cơ sở vi phạm quy định về PCCC đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nêu, trước đây thành phố đã có thông báo yêu cầu đơn vị điện lực dừng cấp điện đối với cơ sở này, tuy nhiên việc thực hiện gặp khó khăn do liên quan đến Luật chuyên ngành điện không quy định cụ thể; vấn đề này đã từng đưa ra Quốc hội để xin ý kiến nhưng còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất và không được thông qua, dẫn đến việc thực hiện giải pháp này không hiệu quả.
Đối với cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, cơ quan chức năng qua kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm, kiến nghị khắc phục các lỗi vi phạm về an toàn PCCC, an toàn trong sử dụng điện nhưng nhìn chung không có sự chuyển biến. Như vụ cháy kho ở Gia Lâm vừa qua, đây là cơ sở đã xảy ra cháy năm 2022, đã bị đình chỉ nhưng vẫn lén lút hoạt động, nguyên nhân cháy ban đầu vẫn là do điện.
Từ báo cáo trên, trong Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn vừa được tổ chức mới đây, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị tổ chức tổng kiểm tra PCCC theo từng nhóm như Công an TP. Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh, người đứng đầu các đơn vị phải tổng kiểm tra địa bàn mình phụ trách và phải có hướng dẫn khắc phục, xử lý vi phạm. UBND Thành phố cũng yêu cầu phân loại khách hàng theo lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ cao. UBND Thành phố sẽ chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, từ các sở ngành đến quận huyện, các đoàn thể thực hiện các nhiệm vụ rõ ràng. Địa bàn nào có nguy cơ phải cảnh báo, lãnh đạo chính quyền cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố nếu để xảy ra cháy nổ.
K. Linh
Bình luận