Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ bảy, 09/12/2023 07:12
TMO - Nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, tạo nguồn thực phẩm sạch, nâng cao thu nhập cho người dân, phương pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ đang được ngành chức năng thành phố Hà Nội khuyến khích người dân đẩy mạnh triển khai.
Nuôi trồng thủy sản hữu cơ là việc nuôi trồng thủy sản gắn liền với tự nhiên như nuôi trong kênh, ao, hồ, sông…, không sử dụng các loại chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm gây biến đổi gen và các sản phẩm tạo ra từ công nghệ biến đổi gen, hạn chế sự ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần gìn giữ sự đa dạng sinh học, hạn chế đến mức tối đa tác động của việc nuôi trông đến môi trường và tác động của con người.
Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, Hà Nội có tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn với diện tích 24.000ha. Thời gian qua, các hộ đẩy mạnh nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ, công nghệ cao, tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Trì… cho năng suất gấp 6-8 lần so với phương pháp nuôi truyền thống, đạt trung bình 3,5 tỷ đồng/ha/năm. Không chỉ nâng cao chất lượng cá thương phẩm, các mô hình này còn giảm được rủi ro từ dịch bệnh…
Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đang đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ.
Ba Vì là một trong những địa phương đang đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Toàn huyện Ba Vì có khoảng 1.900ha ao, hồ mặt nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Đồng Thái, Phú Châu, thị trấn Tây Đằng và các xã ven sông Tích… Từ việc nuôi thủy sản theo hướng VietGAP của người dân trên địa bàn huyện bước đầu cho thấy môi trường trong sạch, tốc độ sinh trưởng của tôm cá tốt hơn, sản phẩm đầu ra bảo đảm an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc kháng sinh. Tại huyện Ứng Hòa, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là trên 4.000 ha, sản lượng thủy sản đạt 37.260 tấn. Hiện nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn.
Những năm trở lại đây, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Phú Xuyên ngày càng tăng, đã có nhiều hộ gia đình phát triển nuôi cá theo hướng hàng hóa, cho thu nhập ổn định. Hiện toàn huyện có trên 2.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, năng suất đạt trên 6,2 tấn/ha. Huyện Phú Xuyên cũng đã quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản, khuyến khích người dân áp dụng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời chú trọng chăn nuôi theo hướng VietGAP nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững với môi trường sinh thái.
Với lợi thế đồng trũng, thuận tiện cho nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng nhiều hộ dân trên địa bàn huyện chuyển đổi diện tích nuôi trồng thủy sản sang nuôi trồng theo hướng VietGAP. Đây là hình thức nuôi trồng gần với tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen. Quy trình nuôi này áp dụng các biện pháp tốt nhất bảo vệ hệ sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm và mất an toàn từ các hoạt động nuôi tới con người và môi trường. Nhờ dó mà giá trị thu nhập cũng được tăng lên.
Theo định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2025, TP sẽ tập trung xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ, các mô hình lúa - cá hữu cơ. Đồng thời chú trọng phát triển các giống cá thương phẩm có chất lượng cao như chép, trắm đen… Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích thủy sản nuôi trồng hữu cơ có chứng nhận đạt 10ha; diện tích thực hiện chuyển đổi sang nuôi trồng theo hướng hữu cơ khoảng 150ha.
Đến năm 2030, toàn TP sẽ có 80ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ được chứng nhận và diện tích chuyển đổi sang hướng hữu cơ vào khoảng 500ha. Trong giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản tại 6 huyện. Trong đó, có khoảng 47ha tại huyện Mỹ Đức, 43ha tại huyện Ba Vì, hai huyện Quốc Oai và Phú Xuyên - mỗi địa phương phát triển 22ha thủy sản hữu cơ. Hai huyện Chương Mỹ và Phúc Thọ sẽ phát triển lần lượt 21ha và 5ha thủy sản hữu cơ.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích thủy sản nuôi trồng hữu cơ có chứng nhận đạt 10ha.
Để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ theo định hướng chung, UBND TP đề nghị các huyện, thị xã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển của riêng địa phương mình. Hàng năm, cân đối bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng. Ngành Nông nghiệp sẽ triển khai một số mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ tại các địa phương có lợi thế để từng bước nhân rộng. Đồng thời, Sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thành phố ban hành một số chính sách riêng để khuyến khích nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
Để mô hình phát triển rộng rãi, các huyện, thị xã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch nuôi trồng thủy sản theo lợi thế, hằng năm bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, hướng tới xây dựng thương hiệu thủy sản Hà Nội uy tín, chất lượng...
Kế hoạch số 228/KH-UBND về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội được ban hành nhằm duy trì ổn định nguồn cung thực phẩm nông sản có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2023-2025, thành phố Hà Nội phấn đấu 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Giai đoạn 2026-2030, sẽ duy trì diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 15%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm; phấn đấu tỷ lệ thực phẩm nông sản được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi chiếm 70% tổng sản lượng thực phẩm nông sản được tiêu thụ trên địa bàn thành phố…
Hà Nội cũng sẽ tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản và các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Tiếp tục hoàn thiện, tham mưu HĐND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách về sản xuất nông nghiệp và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Thu Hà
Bình luận