Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/07/2025 08:07
Chủ nhật, 08/06/2025 15:06
TMO - Ba cây cổ thụ quý hiếm tại TP. Hà Nội vừa được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) công nhận là Cây Di sản. Điều này góp phần tôn vinh giá trị văn hóa – sinh thái của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Đây là sự kiện ý nghĩa trong hành trình bảo tồn những “minh chứng sống” gắn bó với cộng đồng qua nhiều thế kỷ.
Theo đó, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa phối hợp với chính quyền quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản cho 1 cây đa, 1 cây đề có tuổi đời hơn 400 năm tuổi, và 1 cây mít hơn 200 năm tuổi, thuộc khuôn viên đình, đền Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng.
Theo chia sẻ của các cụ cao niên, những cây cổ thụ đã gắn liền với ngôi đình được xây dựng từ thời hậu Lê. Đồng thời những “cụ cây” còn chứng kiến những bước thăng trầm lịch sử của một làng quê phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Hiện các “cụ cây” vẫn đang phát triển xanh tốt.
Đặc biệt, cây đề khổng lồ với chiều cao khoảng 35m, chu vi thân khoảng 4m, thân gốc xù xì. Hiện cây đề cổ thụ vẫn đứng sừng sững giữa đình, rêu phong phủ kín như minh chứng cho hàng trăm năm tuổi. Tán lá xòe rộng, xanh thẫm, tạo nên vẻ đẹp vừa tươi mát vừa thiêng liêng. Cây đề không chỉ là biểu tượng của Phật pháp mà còn là dấu ấn lịch sử sống động giữa lòng Hà Nội.
Tới dự và chia vui với cộng đồng địa phương về sự kiện này, có GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; các Lãnh đạo của chính quyền địa phương cùng đông đảo bà con trong khu vực.
Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm dưới Cây đề Di sản.
Phát biểu tại sự kiện, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN cho biết, đây là 3, trong tổng số gần 8.500 cây cổ thụ đã được Hội công nhận là Cây Di sản Việt Nam ở nước ta. Giáo sư cũng bày tỏ xúc động trước sự hưởng ứng rất nhiệt tình của cộng đồng trong cả nước, trong đó có cán bộ, nhân dân Hà Nội và đặc biệt là bà con phường Vĩnh Hưng và sự ủng hộ khích lệ của các tổ chức tôn giáo và giới truyền thông.
Cũng tại sự kiện, đại diện BQL khu di tích của địa phương khẳng định rằng, sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam cho các “cụ đại thụ” là một hoạt động rất hữu ích. Đây không chỉ là hoạt động trực tiếp bảo vệ sự đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, mà nó còn hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như giáo dục truyền thống yêu nước, biết trân trọng quá khứ và tự hào về truyền thống quê hương. Nơi đây không chỉ thờ các vị có công với dân với nước, mà nơi đây cũng là điểm hẹn của Việt Minh trong thời kỳ chống thực dân Pháp bảo vệ đất nước.
Sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng từ năm 2010, trải qua 15 năm, đã có gần 8.500 cây cổ thụ thuộc 145 loài sinh sống trên 57 tỉnh thành của cả nước được công nhận là Cây Di sản.
Những cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản không chỉ là sự ghi nhận giá trị sinh học, mà còn là hành động thiết thực nhằm bảo tồn những biểu tượng văn hóa, lịch sử gắn liền với cộng đồng. Mỗi cây cổ thụ được công nhận đều mang trong mình dấu ấn của thời gian, là “minh chứng sống” của những biến động xã hội, đời sống dân sinh và tín ngưỡng dân gian qua nhiều thế hệ.
Ở góc độ sinh thái, các cây cổ thụ góp phần quan trọng trong việc điều hòa không khí, giữ gìn môi trường sống và đa dạng sinh học tại khu vực đô thị hóa nhanh như Hà Nội. Đồng thời, việc bảo vệ và tôn vinh những cây di sản còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của thiên nhiên trong đời sống hiện đại, từ đó thúc đẩy trách nhiệm gìn giữ các giá trị truyền thống.
Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, sự trân trọng quá khứ và phát triển ý thức bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Từ đó kết nối giữa con người với thiên nhiên, giữa hiện tại với ký ức lịch sử lâu dài của dân tộc.
Phương Thảo
Bình luận