Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 05:04
Thứ hai, 14/04/2025 14:04
TMO - Thành phố Hà Nội tiến hành điều tra khảo sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ đó làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.
Hà Nội có tiềm năng mặt nước hơn 30.000ha cùng nhiều sông lớn chảy qua, thuận lợi cho khai thác, nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, trước sự suy giảm về số lượng, sản lượng thủy sản tự nhiên, ngành Nông nghiệp thành phố tăng cường nhiều hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững hơn.
Sản lượng thủy sản khai thác tại Hà Nội đã liên tục giảm trong những năm gần đây: Năm 2021 đạt 1.704 tấn, năm 2022 đạt 1.700 tấn, năm 2023 giảm còn 1.685 tấn, đến năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn thành phố đạt 1.680 tấn... Để tái tạo nguồn lợi thủy sản, năm 2024 Chi cục Thủy sản thành phố phối hợp với các đơn vị, địa phương thả 53.000 con cá giống các loại, gồm: 12.000 lăng chấm, 13.000 cá ngạnh, 13.000 cá chiên sông, 15.000 cá trôi ta... được thả ra các sông: Hồng, Tích, Bùi, Đáy, Đuống, suối Yến.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ nơi cư trú, tập trung sinh sản, bãi giống, bãi đẻ thủy sản; tổ chức khai thác, sử dụng chung bền vững nguồn lợi thủy sản; kết hợp hoạt động du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với lợi ích, trách nhiệm của cộng đồng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng; chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.
Đáng chú ý, thành phố sẽ tổ chức thực hiện quản lý 6 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu vực: Hồ Suối Hai thuộc địa bàn huyện Ba Vì; hồ Đồng Mô thuộc địa bàn huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây; hồ Xuân Khanh thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây; sông Hồng thuộc địa bàn xã Cổ Đô, huyện Ba Vì; sông Hồng thuộc địa bàn xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì; sông Hồng thuộc địa bàn xã Phong Vân, huyện Ba Vì.
Các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Ảnh: TN).
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch thực hiện quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong công tác quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Các hình thức tuyên truyền phù hợp với tập quán văn hoá, điều kiện và đối tượng của từng địa phương: Ứng dụng, khai thác các lợi thế của công nghệ số, mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; xây dựng các phóng sự, ấn phẩm; phát thanh, truyền hình trên báo, đài của địa phương,…; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu với sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương.
Đối với nhiệm vụ thực hiện quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Xây dựng và ban hành quy chế quản lý, kế hoạch quản lý phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được phê duyệt. - Tổ chức quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật thủy sản gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới. Điều tra, khảo sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ đó làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.
Phân tích, đánh giá môi trường nước, hệ sinh thái thủy sinh tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản để xây dựng phương pháp bảo vệ khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các giống loài thủy sản; hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản...
Cùng với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành nông nghiệp thành phố triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực thủy sản của thành phố như: Tích cực đưa giống mới, công nghệ mới vào nuôi trồng, quản lý tốt môi trường nuôi, phòng chống dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học; khuyến khích hộ nuôi đầu tư lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo hiệu quả kinh tế cao...
Hà Nội hiện có hơn 16.470 hộ nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 24.700ha, tập trung tại các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm, Ứng Hòa...; trong đó có 69 cơ sở áp dụng nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), tổng diện tích 510ha; 12.920 cơ sở ký cam kết an toàn thực phẩm... Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố phát triển ổn định cũng góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng chung của ngành.
Để nuôi trồng thủy sản của thành phố phát triển bền vững, cùng với đẩy mạnh bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các vùng nuôi trồng tập trung; xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tiếp tục khuyến khích nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản.../.
Ngọc Trang
Bình luận