Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/04/2025 07:04
Thứ tư, 09/04/2025 13:04
TMO - UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng và các quận, huyện rà soát quỹ đất để phát triển hệ thống trạm sạc điện tại các khu vực công cộng trên địa bàn. Mục tiêu chậm nhất đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100% phương tiện xe buýt sử dụng điện trên địa bàn.
Văn phòng UBND TP. Hà Nội ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp về kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển hệ thống xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng trạm sạc, phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố thống nhất giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố đã được UBND thành phố phê duyệt.
Sở Xây dựng có nhiệm vụ đề xuất các giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển đổi, phát triển, chậm nhất đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100% phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố và có lộ trình cụ thể thực hiện cho từng năm. Nội dung này được yêu cầu báo cáo UBND thành phố xem xét trước ngày 15/4/2025.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, nghiên cứu, bổ sung tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung ứng dịch vụ trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung quyết định của UBND Thành phố về việc ban hành "Bộ tiêu chí quản lý chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố"; tham mưu, báo cáo đề xuất UBND thành phố trong tháng 4/2025.
Đồng thời, TP. Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, cập nhật quy hoạch để bố trí quỹ đất cho việc phát triển hệ thống trạm/trụ sạc điện tại các bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các khu vực công cộng trên địa bàn.
Sở Công Thương phối hợp với Tổng công ty Điện lực bảo đảm cung cấp điện ổn định cho hệ thống trạm, trụ sạc điện, phục vụ việc chuyển đổi, phát triển xe điện trên địa bàn Thành phố. Thành phố hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch trên địa bàn thành phố. Khuyến khích đầu tư hạ tầng trạm sạc và phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển Thành phố, Sở Xây dựng và đơn vị liên quan rà soát mức lãi suất cho vay, xây dựng quy trình, thủ tục cho vay, đầu mục các công việc cho vay, báo cáo UBND Thành phố xem xét, ban hành bảo đảm các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dễ tiếp cận và thực hiện; tham mưu, báo cáo đề xuất UBND Thành phố trong tháng 4/2025.
TP. Hà Nội nỗ lực chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Theo Sở Xây dựng thành phố, mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội hiện có 153 tuyến; trong đó có 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 512/579 số xã, phường thị trấn (đạt 88,4% tổng đơn vị hành chính cấp xã).
Đồng thời, đã kết nối với 7 tỉnh thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc). Số phương tiện xe buýt trợ giá là 1.903 xe với 282 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 143 xe buýt điện); còn trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.
Căn cứ vào đề xuất của các đơn vị vận tải và chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội, 4 đơn vị vận tải (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Công ty CP vận tải Newway, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) đang triển khai đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe.
Theo Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến năm 2035, 100% xe buýt phải sử dụng các năng lượng này.
Cụ thể, giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó có 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2031-2035 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).
Theo phương án chuyển đổi, trong đầu năm 2025, có 4 đơn vị vận tải (gồm Tổng công ty vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) sẽ đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện, với 76 xe (11 xe buýt nhỏ, 65 xe trung bình), để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Đối với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến thành phố sẽ chuyển đổi phương tiện động cơ diezel lớn hết khấu hao sang xe buýt điện lớn (tuyến buýt số 34 với tổng số dự kiến 27 xe). Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, bằng 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Từ năm 2026, dự kiến Thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) trên từng tuyến. Số lượng phương tiện chuyển đổi dựa trên các chỉ tiêu khai thác của tuyến và phạm vi hoạt động trong ngày của các chủng loại xe buýt điện hiện có trên thị trường. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026-2030 là 1.813 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi.
Giai đoạn 2031-2035, tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi là 238 xe. Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.
Để thực hiện đề án này, TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu kinh nghiệm phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên thế giới và sử dụng các phương pháp thống kê, phân tích, khảo sát và kinh nghiệm chuyên gia để đề xuất các giải pháp...
Luật Thủ đô 2024 đã đưa ra nhiều quy định quan trọng về chuyển đổi giao thông xanh. Luật nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường, ưu tiên các phương tiện giao thông xanh như xe buýt điện, xe đạp và đi bộ; yêu cầu các cơ quan chức năng lập kế hoạch chi tiết về phát triển hạ tầng phục vụ giao thông xanh, bao gồm các tuyến đường dành riêng cho xe đạp và lối đi bộ;
Đồng thời khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới trong giao thông như hệ thống giao thông thông minh và xe điện; cung cấp các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển giao thông xanh... quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.../.
Lê Hà
Bình luận