Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 17/01/2025 02:01
Thứ năm, 16/01/2025 12:01
TMO – Với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, Hà Nội cho phép được kéo dài thời hạn 24 tháng (lần 2) đối với các trường hợp chủ đầu tư được đánh giá đủ năng lực và đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư phải nộp nghĩa vụ tài chính cho thời gian kéo dài theo quy định, đây là một trong các phương án Hà Nội đề xuất giải quyết, xử lý.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT), về rà soát, kiểm tra, thanh tra các dự án chậm triển khai, UBND TP. Hà Nội xác định công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Do đó, đã xây dựng Kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát số lượng và tổ chức xử lý có trọng tâm, trọng điểm đối với 712 dự án.
Kết quả chỉ đạo xử lý lũy kế đến ngày 30/10/2024: 706 Dự án (chiếm 99,2% tổng số 712 Dự án) đã rà soát, báo cáo, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát xử lý và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đầu tư và đưa đất vào sử dụng; 06 Dự án (chiếm 0,8% tổng số 712 Dự án) với tổng diện tích 81,6 ha đất, đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục kiểm tra để đề xuất phương án xử lý cụ thể.
(Ảnh minh họa)
Trong đó, 286 Dự án tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng (lũy kế đến ngày 30/10/2024).
Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm các dự án chậm triển khai trên địa bàn, sớm đưa đất vào sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ TN&MT tổng hợp báo cáo Trung ương theo 3 phương án. Cụ thể, phương án thứ nhất là cho phép được kéo dài thời hạn 24 tháng (lần 2) đối với các trường hợp chủ đầu tư được Hà Nội đánh giá đủ năng lực và đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư phải nộp nghĩa vụ tài chính cho thời gian kéo dài theo quy định.
Phương án thứ hai, trường hợp Nhà đầu tư không đảm bảo năng lực: Đối với trường hợp đã có tài sản, cho phép xử lý tài sản gắn liền với đất (tương tự quy định về xử lý tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thu hồi đất do chấm dứt dự án đầu tư).
Ở phương án thứ ba, đối với các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn Nhà đầu tư nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất, Nhà đầu tư đã ứng tiền để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, việc chậm tiến độ không phải lỗi do Nhà đầu tư: Cho phép giao đất, cho thuê đất cho Nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, ngay khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai trên toàn địa bàn và đến nay đã ban hành 4 Quyết định quy định chi tiết 29/59 nội dung thuộc thẩm quyền về xác định giá đất cụ thể; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định về tính đơn giá thuê đất, mức tỷ lệ thu đối với công trình ngầm, đất có mặt nước và một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn. Bên cạnh đó, đã hoàn thành 19/39 nội dung theo quy định. Trong đó đã ban hành 17 nội dung; đề xuất không ban hành đối với 02 nội dung; tiếp tục tập trung xây dựng và ban hành quy định chi tiết đối với 20 nội dung còn lại trong tháng 1/2025.
BẢO HÂN
Bình luận