Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/07/2025 08:07
Thứ hai, 14/07/2025 06:07
TMO - UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3964/UBND-NNMT về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố, bên cạnh đó, thành phố sẽ kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã, củng cố lực lượng nhằm đảm bảo năng lực hoạt động sát thực tiễn.
Căn cứ Văn bản số 65-CV/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Văn bản số 595-CV/VPĐUCP của Văn phòng Đảng ủy Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 3964/UBND-NNMT về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại Công văn số 3964/UBND-NNMT, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng ứng phó thiên tai cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Lực lượng xung kích tại cơ sở, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở được xác định là nòng cốt trong hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái khi thiên tai xảy ra.
Đắp đê tại phường Chương Mỹ. (Ảnh: TT).
Đặc biệt, Hà Nội sẽ kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã, củng cố lực lượng ứng phó thiên tai đảm bảo năng lực hoạt động sát thực tiễn. Công tác kiểm tra, rà soát các khu vực, điểm dân cư có nguy cơ cao cũng sẽ được đẩy mạnh, song song với việc chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó.
UBND TP cũng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc điểm thiên tai tại địa phương. Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai và tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện hiệu quả các cam kết toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Lãnh đạo các sở, ngành được yêu cầu chủ động triển khai nhiệm vụ theo chức năng, kịp thời hỗ trợ địa phương khi có tình huống phát sinh, bảo đảm ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất thường của thời tiết và thiên tai.
UBND TP Hà Nội xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Do đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần khẩn trương rà soát, cập nhật các văn bản chỉ đạo mới; phân công rõ trách nhiệm, nhất là vai trò người đứng đầu trong thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ)…/.
Thế Hùng
Bình luận