Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/04/2025 11:04
Thứ ba, 08/04/2025 14:04
TMO - Hướng tới mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, thời gian qua tỉnh Hà Giang đã đẩy nhanh tiến độ trồng rừng nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 60% vào năm 2025, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân từ phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh.
Hà Giang hiện có gần 467 nghìn ha rừng, trong đó 387 nghìn ha là rừng tự nhiên, 79 nghìn ha rừng sản xuất. Trong những năm qua, địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 51%, thì đến tháng 8/2021 tỷ lệ này đã đạt trên 58%. Đến hết năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 59,3%, tương đương với diện tích có rừng là 470.103 ha.
Bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lực lượng kiểm lâm và các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đẩy mạnh triển khai. Toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đều được giao quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và bảo vệ theo quy định. Các chủ rừng thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm nhập, khai thác trái phép tài nguyên rừng; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; phòng cháy, chữa cháy rừng.
Từ năm 2021 đến 2025, tỉnh đã trồng được 14.990,6 ha rừng sau khai thác, đạt 110,5% chỉ tiêu nghị quyết đề ra; riêng năm 2024 toàn tỉnh thực hiện trồng mới 2.791,5 ha rừng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra trồng gần 2,5 nghìn cây phân tán các loại, tăng 28,9% so với cùng kỳ.
Tỉnh Hà Giang phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 60%.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu nâng độ che phủ rừng đạt 60% vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó tập trung vào việc trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng hiện có. Đặc biệt, chú trọng trồng các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương.
Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng thông qua thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng cháy rừng, khai thác rừng trái phép, phấn đấu giảm ít nhất 10% số vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đến năm 2025, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đạt từ 40% tổng diện tích rừng tự nhiên trở lên, nhằm tăng cường trách nhiệm và lợi ích của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ngành Lâm nghiệp đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý và khai thác rừng; trong đó, công nghệ tiên tiến được sử dụng để theo dõi, giám sát và bảo vệ rừng khỏi nạn khai thác gỗ trái phép và cháy rừng. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công cụ quản lý rừng thông minh giúp cơ quan chức năng kiểm soát và lập kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, từ đó đảm bảo diện tích rừng được bảo vệ và duy trì trong tình trạng tốt. Bên cạnh đó, triển khai các dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế và Chính phủ để nâng cao năng lực bảo tồn, quản lý tài nguyên rừng một cách bền vững.
Để đảm bảo phát triển lâm nghiệp, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng. Các chính sách bao gồm hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật trồng trọt, đồng thời khuyến khích các hộ dân tham gia các hợp tác xã lâm nghiệp để tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm lực lượng kiểm lâm tích cực phối hợp với các địa phương có rừng, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, phục hồi rừng, duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế, các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, tổng diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 456.845,85/467.143,0 ha, chiếm 97,7% diện tích rừng toàn tỉnh và tổng số tiền đã chi trả là 117,412 tỷ đồng. Công tác bảo vệ rừng được tăng cường, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 2.698 vụ vi phạm lâm luật; thực hiện được 979.729 lượt bảo vệ rừng với 50.770 hộ và nhóm hộ tham gia; khoanh nuôi bảo vệ được 166.894 ha rừng.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, núi đá vôi chiếm phần lớn diện tích, việc trồng rừng gặp nhiều khó khăn. Áp lực từ phát triển kinh tế khi nhu cầu mở rộng diện tích canh tác, phát triển hạ tầng có thể dẫn đến nguy cơ suy giảm diện tích rừng.
Trước thực tế này tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ vai trò của rừng đối với môi trường và đời sống, từ đó tham gia tích cực vào công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hỗ trợ kinh tế cho người dân thông qua thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng, cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính; xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến rừng.../.
Lê Ngọc
Bình luận