Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ tư, 28/08/2024 11:08
TMO – Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được kết quả cao cho Đề án, các Bộ, ngành liên quan, các Hợp tác xã, các địa phương vùng ĐBSCL cần có quyết tâm chính trị rất lớn bởi người nông dân xưa nay vẫn quen với sản xuất truyền thống và đây được xác định là rào cản lớn trong triển khai đề án.
Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" là chương trình sản xuất lúa carbon thấp với quy mô lớn lần đầu tiên được triển khai trên thế giới, từ đó sẽ tạo ra cuộc "cách mạng" về sản xuất lúa gạo.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 12 địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp... Ngoài ra, chương trình cũng đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải. Đến nay, Đề án đã được triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh và TP. Cần Thơ.
(Ảnh minh họa)
Mô hình rộng 50 ha triển khai tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho thấy nông dân giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140 kg xuống còn 60 kg/ha, giảm lần bón phân từ 3-4 lần còn 2 lần mỗi vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ, cây lúa ít bị ngã, giảm dịch bệnh và tổn thất sau thu hoạch... Ngoài ra, lúa sau khi thu hoạch được bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg so với canh tác bình thường. Việc giảm lượng lúa giống còn 60 kg/ha giúp tiết kiệm chi phí về giống 1,2 triệu đồng, phân bón giảm 0,7 triệu đồng; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn mỗi ha so với 5,8-6,1 tấn mỗi ha ở cách làm truyền thống...
Các chuyên gia cho rằng, Đề án này rất có ý nghĩa. Đề án sẽ giúp sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL không còn manh mún, nhỏ lẻ nữa mà sẽ tập trung vùng rộng lớn phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, thực hiện thành công Đề án này còn giúp khai thác được chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó có tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp. Theo các chuyên gia, để đạt được kết quả cao cho Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo 12 địa phương vùng ĐBSCL, các Hợp tác xã cùng người nông dân cần có quyết tâm chính trị rất lớn bởi người nông dân xưa nay vẫn quen với sản xuất truyền thống và đây là rào cản rất lớn trong triển khai thực hiện đề án.
Một trở ngại lớn khác là việc tập hợp hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay, nhiều hội viên từ bỏ làng quê để đến làm việc tại các khu công nghiệp, bởi làm nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, thu nhập thấp. Tuy nhiên, từ Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao với những giải pháp cụ thể, Đề án này kỳ vọng sẽ là "cứu cánh" cho người nông dân vùng ĐBSCL vốn chăm chỉ, cần cù, chịu khó sẽ phát huy thế mạnh của mình để nâng cao đời sống từ cây lúa.
Cũng theo các chuyên gia, cũng cần tính toán bởi hiện nay, việc quy hoạch và phát triển hạ tầng chưa đồng bộ (thủy lợi, giao thông, kho bãi... chưa được kết nối). Vấn đề nhân lực, chuyên gia nông nghiệp ở địa phương còn yếu và thiếu về trình độ, số lượng. Việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật khả năng cao là khó khăn. Việc phối hợp giữ Bộ, ngành với địa phương sẽ triển khai như thế nào? Ngoài ra, việc áp dụng cần tính đến sự khác biệt giữa các địa phương. Có thể phù hợp với chỗ này nhưng chỗ khác thì không. Đây là những khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có giải pháp để triển khai hiệu quả đề án.
LÝ LAN
Bình luận