Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ sáu, 04/10/2024 07:10
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, về lâu dài, cần nghiên cứu giải pháp bố trí lại dân cư khu vực lưu vực hai sông Tích, sông Bùi, nghiên cứu chọn phương án thoát lũ rừng ngang và xây dựng củng cố đê của hai sông này.
Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) là một trong những địa phương nằm trong lưu vực sông Tích, sông Bùi, sông Đáy. Các con sông này có đặc điểm lòng sông hẹp, nhiều năm không được nạo vét khơi thông. Một số làng xã ven sông của huyện Chương Mỹ nằm ở vùng trũng thấp, có nơi thấp hơn so với mặt sông 8 m, dẫn đến cứ mưa là ngập. Mỗi lần có lũ rừng ngang mạn Hoà Bình, Ba Vì về nước sông dâng cao, gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân, gây thiệt hại cho mùa màng, chăn nuôi…
Năm nay, nhiều xã ở huyện Chương Mỹ đã hai lần chịu ngập lụt lớn. Gần nhất là do bão số 3, đến nay đã qua gần một tháng, khoảng 3.000 người dân vẫn phải sơ tán, chưa được về nhà vì ngập lụt. Với những khó khăn vướng mắc này, Sở NN&PTNT đã có báo cáo với UBND TP. Hiện TP.Hà Nội đang triển khai giải pháp cho kè hai bên bờ sông Tích trên khu vực huyện Ba Vì.
Về lâu dài, TP.Hà Nội cần báo cáo Chính phủ, nghiên cứu giải pháp bố trí lại dân cư khu vực lưu vực hai sông Tích, sông Bùi; quan tâm đầu tư thích đáng để nâng cấp hệ thống đê điều đảm bảo tiêu chí thiết kế theo quy hoạch; nghiên cứu chọn phương án thoát lũ rừng ngang và xây dựng củng cố đê dọc hai bên bờ trục tiêu; thực hiện nạo vét, giải toả vật cản đảm bảo tiêu thoát lũ, phòng tránh sạt lở; xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ sớm; đặc biệt phối hợp với các tỉnh liên quan dọc sông Đáy, sông Bùi, sông Tích...
Tình trạng ngập lụt kéo dài do mưa lớn tại nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ, đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, thực trạng cũng như việc thúc đẩy các giải pháp để khắc phục tình trạng ngập lụt tại các vùng "rốn lũ" như huyện Chương Mỹ là một trong các quy hoạch phòng chống lụt bão TP Hà Nội, được tích hợp trong quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2050; hoà trong quy hoạch Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn tới năm 2065. Khi Chính phủ phê duyệt, sẽ tích hợp với phòng chống lũ lụt trên địa bàn các địa phương trong đó có Chương Mỹ, từ đó quan tâm đầu tư, hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng đời sống người dân khu vực lũ rừng ngang...
Hiện nay, Thành phố vẫn đang trình cấp có thẩm quyền về Quy hoạch Thủ đô. Trong Quy hoạch Thủ đô có phần tích hợp của phương án chi tiết phòng, chống lũ của các tuyến sông trên địa bàn để có cơ sở triển khai giai đoạn tới.
Cũng liên quan đến vấn đề ngập lụt, từ thực tế nước sông Hồng vừa qua dâng cao làm nhiều nơi bị ngập sâu đòi hỏi Hà Nội điều chỉnh quy hoạch sông Hồng để đảm bảo thoát lũ. Về vấn đề này, Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố cho biết, về quy hoạch sông Hồng, trước đây, căn cứ quy định của Luật Đê điều, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, trên cơ sở Quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình năm 2016 và ý kiến của Bộ Xây dựng… UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch kiến trúc cùng các cơ quan liên quan trình UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng.
Trong Quy hoạch phân khu sông Hồng, về phần cảnh quan, sông Hồng được xác định là trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội và có yêu cầu quan trọng nhất là bảo vệ an toàn đê điều, phòng chống lũ. Đây là yêu cầu bắt buộc và trong quy hoạch được duyệt cũng xác định rất rõ toàn bộ việc quản lý, đầu tư xây dựng được xem xét theo quy định của Luật Đê điều, yêu cầu tại Quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình đã được phê duyệt. các khu vực xây dựng, khu vực quản lý ngoài đê, các phần dân cư hiện có, khu vực xây dựng mới, trong Quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình đã nêu ra và đến thời điểm này chưa thay đổi, vẫn thực hiện theo quy định này.
Như vậy, việc đầu tư xây dựng, xác định trục cảnh quan trung tâm của Thành phố vẫn triển khai, tuy nhiên phải đảm bảo theo các yêu cầu của phòng, chống lũ. Đối với các dự án triển khai tại khu vực ngoài bãi, khu vực giữa hai bên đê vẫn được xem xét và được thỏa thuận bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn đê điều, phòng chống lũ...
Tại buổi họp báo của UBND TP. Hà Nội thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa bão, thiên tai vừa qua, trên địa bàn Hà Nội đã có những thiệt hại về người (4 người chết và 28 người bị thương; trong đó có 1 người chết và 10 người bị thương trong bão; còn lại là do trận dông lốc, cây đổ từ chiều ngày 6/9/2024 và do các sự cố sau bão). Hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản xảy ra liên quan đến cây đổ, cành gãy, mất điện, sập đổ, tốc mái công trình và xảy ra các sự cố về điện.
Tình hình thiệt hại trong trên toàn địa bàn Thành phố cập nhật đến ngày 26/9/2024: Cây bị gẫy, đổ trên 100.000 cây (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác); lúa bị gẫy, đổ, dập nát trên 23.000 ha; lúa bị ngập trên 15.000 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng trên 13.000 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 9.000 ha, thủy sản bị ảnh hưởng trên 4.000 ha; trên 3.000 con gia súc bị chết; trên 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc… xảy ra 41 sự cố công trình đê điều và khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt.
Về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa bão sau lũ, toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cấp cơ sở, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã chủ động chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách. Về công tác khắc phục hậu quả và đảm bảo đời sống nhân dân, đối với các ảnh hưởng, thiệt hại về người, Thành phố đã chỉ đạo, triển khai chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với các công dân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người mất và bị thương.
Về công tác sơ tán dân ứng phó với mưa, lũ, ngập lụt, cập nhật đến ngày 30/9/2024, đã có gần 75.000 người trở về trên tổng số 78.000 người dân sơ tán, di dời. Còn lại khoảng trên 3.000 người dân vẫn còn phải sơ tán do ngập lụt chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ...
Các địa phương tập trung khôi phục sản xuất đồng thời nâng cao năng lực ứng phó với mưa bão.
Trước diễn biến thời tiết dự báo còn nhiều phức tạp, lãnh đạo Sở NN&PTNT thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung cao độ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão; đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.
Trong đó, các cấp, các ngành tiếp tục, khẩn trương triển khai đồng thời các hoạt động khắc phục hậu quả, sự cố, dọn dẹp, vệ sinh môi trường; rà soát, đánh giá, hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai theo quy định. Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác ứng phó thiên tai trong thời gian qua; rà soát, cập nhật các phương án ứng phó với tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra trong thời gian tới, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”; chú trọng đến các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức…
Về giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ sau bão là tổ chức phục hồi sản xuất và triển khai thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau mưa bão. Trong đó, UBND cấp huyện tiến hành rà soát, đánh giá thiệt hại và triển khai các thủ tục để thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND và các quy định hiện hành. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật khắc phục giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất vụ mùa đối với trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản.
Về định hướng khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp: Đối với việc phát triển sản xuất cây vụ Đông, về giống, vật tư, sử dụng giống ngắn ngày, vật tư chất lượng cao là chủ lực trong sản xuất. Tăng cường quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Chỉ đạo công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất sản xuất vụ đông đảm bảo thời vụ và đáp ứng yêu cầu sinh trưởng phát triển của cây trồng. Kết nối tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đối với chăn nuôi, về phương án tăng đàn lợn thương phẩm, để bù đắp lượng gia súc của thành phố bị thiệt hại, bù sản lượng thủy sản bị thiệt hại và cung cấp thực phẩm thiếu hụt cho các tỉnh, thành phố, khuyến cáo người chăn nuôi chuyển toàn bộ đàn lợn dành chọn lọc giống sinh ra trong tháng 8,9 sang nuôi thương phẩm, tương đương 100.000 con, sau 5 tháng nuôi tăng thêm sẽ góp phần cung ứng tăng thêm từ 10.000 - 12.000 tấn thịt lợn hơi đáp ứng nhu cầu thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.../.
Phương Nga
Bình luận