Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 03:11
Chủ nhật, 28/01/2024 08:01
TMO - Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và CTR gây ô nhiễm mùi, phát tán các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3… Các làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2.
Theo các chuyên gia môi trường, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là do hầu hết các làng nghề đang hoạt động hiện nay đều có những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới môi trường không khí. Trong số đó, 3 nhóm làng nghề: tái chế (kim loại, giấy, nhựa…), vật liệu xây dựng và chế biến nông sản, thực phẩm là những nhóm làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cao.
Bên cạnh đó, nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất, phụ gia trong quá trình sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế (kim loại, nhựa), quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn… làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm.
(Ảnh minh họa)
Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và CTR gây ô nhiễm mùi, phát tán các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3… Các làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Trong khi hầu hết các hộ làm nghề trên cùng diện tích sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư cho nên mặt bằng hạn chế, dẫn đến việc phân khu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tình trạng nhiều làng nghề bị ô nhiễm là do việc đánh giá tác động môi trường hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc làng nghề phát triển kém bền vững, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người làm nghề. Một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề nặng nề nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Theo các chuyên gia, để khắc phục thực trạng này, ở các làng nghề cần có nhiều biện pháp về chính sách, công nghệ, cũng như khoản kinh phí khá lớn. Ngoài ra, việc kêu gọi xã hội hóa các dự án xử lý nước thải cũng cần được quan tâm đẩy mạnh.
Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung hay xử lý nước thải phân tán được đánh giá là một trong những giải pháp phù hợp và hiệu quả để xử lý nước thải làng nghề ở Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, xử lý nước thải phi tập trung chủ yếu dựa vào các giải pháp phòng ngừa thay vì đối phó với các tình huống. Trong hệ thống xử lý, lưu lượng tại các điểm đều nhỏ, nên khi có sự cố giảm thiểu rủi ro cho môi trường. Ưu điểm của giải pháp này là xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ với chi phí xây dựng và vận hành thấp so với các giải pháp khác do quy mô trạm xử lý nhỏ, khoảng cách vận chuyển nước thải từ nguồn ô nhiễm tới trạm ngắn. Từng trạm sẽ có những công nghệ xử lý khác nhau, tạo thêm cơ hội lựa chọn phương pháp phù hợp với từng khu vực, đồng thời có thể tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản, thuận tiện cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần chú trọng đồng bộ các nhóm giải pháp cơ bản. Cụ thể, giải pháp quy hoạch: Các giải pháp quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường bao gồm các nội dung: Quy hoạch lồng ghép hoạt động du lịch với sản xuất nghề; quy hoạch tập trung theo mô hình các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, quy hoạch phân tán tại từng cơ sở. Nội dung quy hoạch cần bao gồm quy hoạch lại không gian sản xuất, quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Giải pháp quản lý: Đối với các làng nghề nên lấy quản lý cấp xã làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường. Cần thiết xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường và các cơ sở có đầu tư bảo vệ môi trường hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua việc lập quỹ bảo vệ môi trường. Quản lý môi trường thông qua hương ước làng xã là một giải pháp cần quan tâm vì đây là một công cụ quản lý môi trường hữu hiệu ở nông thôn do thích hợp với cộng đồng tại từng khu vực. Hương ước làng xã được cộng đồng lập ra dựa trên các quy ước truyền thống và có hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường.
Giải pháp về giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức của người dân: Nội dung giáo dục môi trường được xây dựng theo mục đích hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý môi trường của chính quyền xã, thôn nhằm làm cho người dân hiểu về những tác hại môi trường và sức khỏe tại làng nghề, trách nhiệm và sự tham gia của họ trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm. Cùng với giải pháp của chính quyền, rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân tại chính các làng nghề thì tình trạng ô nhiễm làng nghề mới sớm được khắc phục triệt để.
Hiện nay, cả nước có khoảng 2.008 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận (bao gồm 1.356 làng nghề và 652 làng nghề truyền thống). Doanh thu của các làng nghề là 75.720 tỷ đồng (tăng 17.332 tỷ đồng so với năm 2020; tạo việc làm cho khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/ người/ năm. Bên cạnh đó, ngành nghề nông thôn cũng có 808.201 cơ sở sản xuất, kinh doanh, giảm 4.705 cơ sở so với năm 2020; doanh thu khoảng 202.391 tỷ đồng, giảm 11.624 tỷ đồng so với năm 2020; tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, tăng 1,45 triệu lao động so năm 2020 với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/ người/ năm. Xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu đạt khoảng 3,3 tỷ USD.
PHẠM DUNG
Bình luận