Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ năm, 04/05/2023 20:05
TMO – Cần khẩn trương xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi năng lượng. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong thời gian qua, nhận rõ những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bị đuối sức, áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ đã kịp thời đưa ra chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Ngoài ra, ngành tài chính ngân hàng đã thực thi chính sách tiền tệ khác biệt, mang tính đột phá so với các nước trên thế giới nhằm hỗ trợ thanh khoản, giải quyết vấn đề thiếu vốn của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế. Giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp, đang đề xuất giảm 2% thuế VAT để kích cầu tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, vấn đề hiện nay nằm ở chỗ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, đơn hàng suy giảm, cầu tiêu dùng trong nước yếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn gặp rào cản về môi trường pháp lý, chi phí sản xuất tăng. Do đó để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu đó là đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tăng cường tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng; xử lý khó khăn về vốn, khả năng thanh khoản và lao động cho doanh nghiệp. Định kỳ hàng quý, cần nắm bắt và khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo từng ngành, từng lĩnh vực. Nhất là cần tháo gỡ ngay những vướng mắc về thể chế, về các quy định không phù hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần minh bạch, đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới.
(Ảnh minh họa)
Đồng thời, chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể nâng cao năng lực dự trữ, đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Đặc biệt, cần khẩn trương xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi năng lượng. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo.
Đối với doanh nghiệp, cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt để kịp thời có giải pháp khắc phục, cắt giảm chi phí sản xuất. Đa dạng và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin và dự báo chính xác động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá, tăng lãi suất để chủ động trong xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch tài chính, kinh doanh.
Nắm bắt và đánh giá cách các "đối thủ cạnh tranh" phản ứng với tình huống, đồng thời giám sát tình hình sức khỏe và chất lượng hoạt động của các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất. Đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp, chia sẻ nguồn cung nguyên vật liệu; đơn hàng, thị trường; đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất; hỗ trợ nguồn lực tài chính để cùng phát triển, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, tránh các tác động từ vấn đề địa chính trị toàn cầu không thể đoán trước, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hình ảnh thương hiệu, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư. Chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp doanh nghiệp vượt lên trước đối thủ và tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.
Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo
Trước đó, Bộ Công Thương lấy ý kiến đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu chung Chiến lược là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực Asean.
Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320-350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh. Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu Asean, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu Asean…
Một trong những định hướng phát triển của Chiến lược là phát triển phân ngành điện. Trong đó, phát triển nhanh và bền vững các nguồn phát điện với cơ cấu và phân bố hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hoá, chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, ngoài khơi, điện mặt trời theo phương thức tự cung cấp, tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới điện quốc gia, với quy mô phù hợp với quy hoạch/kế hoạch phát triển nguồn điện trong từng giai đoạn) cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là phục vụ sản xuất các loại hình năng lượng mới (hydrogen, amoniac xanh, hóa chất, …), sản xuất kinh doanh, các nhu cầu dân sinh và các loại hình sản xuất điện từ rác, sinh khối và đồng phát.
Về định hướng ngành năng lượng mới và tái tạo, khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Quốc Dũng
Bình luận