Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ tư, 28/08/2024 14:08
TMO - Việc dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc khiến các địa phương, doanh nghiệp và nông dân trồng dừa đặt nhiều kỳ vọng về gia tăng giá trị, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này.
Việt Nam đang có gần 200.000ha đất trồng dừa, sản lượng khoảng 2 triệu tấn và là quốc gia đứng thứ 7 thế giới về sản xuất loại quả này. Các vùng trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sản phẩm này đã xuất sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Chất lượng dừa của Việt Nam được tổ chức Cộng đồng dừa quốc tế (ICC) đánh giá cao. Năm 2023, dừa Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này cho thấy chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm của dừa Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định của thị trường Hoa Kỳ, một trong những thị trường khắt khe nhất. Ngày 6/6/2024, Việt Nam và Trung Quốc kết thúc đàm phán Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu. Đến ngày 19/8, dừa tươi Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Với tiềm năng từ thị trường 1,4 tỷ dân, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD trong năm nay và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. Hiện nay Trung Quốc tiêu thụ dừa rất lớn, trong khi khả năng cung ứng trong nước chỉ 10%. Chính vì thế khi Trung Quốc mở cửa cho trái dừa Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội cho các địa phương nâng cao giá trị sản xuất.
Dừa tươi Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù cánh cửa cơ hội đã mở, nhưng Trung Quốc ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về thực vật, an toàn thực phẩm cũng như xuất xứ, bao bì, mẫu mã cũng là thách thức không nhỏ. Để xuất khẩu dừa sang Trung Quốc, sản phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chí nhất là về kiểm dịch thực vật. Trước khi xuất khẩu, Bộ NN&PTNT phải lấy mẫu 2% dừa từ mỗi lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc để kiểm tra kiểm dịch thực vật. Nếu không có vấn đề kiểm dịch nào được phát hiện trong thời gian hai năm, lượng lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%.
Nếu phát hiện có bất kỳ sinh vật sống nào của các loài gây hại kiểm dịch liên quan đến cành, lá, cuống quả hoặc đất, lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc và vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói có liên quan sẽ bị đình chỉ xuất khẩu dừa sang Trung Quốc. Khi đó, Bộ NN&PTNT phải tiến hành điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện khắc phục cũng như lưu giữ hồ sơ không tuân thủ để cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo yêu cầu.
Bến Tre hiện là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước. Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là Nghị quyết số 03-NQ/TU và Nghị quyết số 07-NQ/TU. Theo đó, địa phương đã tập trung xây dựng vùng sản xuất tập trung, phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Cụ thể, các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm dừa ngày càng mở rộng, mô hình sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ ngày càng phát triển.
Tính đến năm 2024, diện tích dừa của tỉnh Bến Tre đạt gần 80 nghìn ha, chiếm khoảng 42% diện tích dừa cả nước và khoảng 88% diện tích dừa vùng ĐBSCL, sản lượng khoảng 708 triệu trái. Toàn tỉnh có trên 9,7 nghìn cây dừa mẹ được bình tuyển và công nhận. Hiện tỉnh có 32 tổ hợp tác và 34 HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị với quy mô 13,3ha và 6,6 nghìn thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 20,4 nghìn ha (chiếm khoảng 25% diện tích dừa toàn tỉnh), trong đó diện tích đạt chứng nhận là 13 nghìn ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Ngày 19/8/2024, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, dừa tươi là một trong 3 sản phẩm chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân. Với việc nghị định thư được thông qua tạo cơ hội thuận lợi để ngành hàng dừa Bến Tre hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 133 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích gần 8,4 nghìn ha và trên 12,8 nghìn hộ tham gia.
Để tận dụng cơ hội này Bến Tre cần hỗ trợ hình thành các hình thức liên kết sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất nhằm trao đổi sản xuất, chia sẻ thông tin thị trường và liên kết với các công ty, ký kết bao tiêu sản phẩm dừa. Nhất là cần tập trung chỉ đạo xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và quản lý tốt chất lượng để hướng đến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Việc nâng cao chất lượng sản xuất tại các vùng trồng dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre là giải pháp quan trọng để địa phương này thuận lợi xuất khẩu.
Những năm qua, các địa phương như huyện Giồng Tôm, Bình Đại đã khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX để đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, xây dựng chuỗi giá trị dừa nhằm nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, mở hướng đi bền vững. Trước đây vườn dừa của các hộ sản xuất chủ yếu bán cho thương lái địa phương, sau này thì chuyên nghiệp hơn khi ký kết với doanh nghiệp thu mua thông qua HTX, nhiều nhà vườn đang sẵn sàng áp dụng chăm sóc vườn dừa theo quy trình kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Mục tiêu của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa. Đặc biệt, tỉnh chủ trương phát triển thêm 1.500ha dừa hữu cơ, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000ha. Cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung sắp xếp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng chất lượng và chuyên môn hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và tăng cường khả năng cạnh tranh. Phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, gắn với truy xuất nguồn gốc trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững và xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư các dự án chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học công nghệ tham gia tốt vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu...
Theo các chuyên gia, Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn đối với ngành dừa Việt Nam vì đây là thị trường có khoảng cách địa lý rất gần, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác. Tuy nhiên hiện nay ngành hàng dừa tươi ở nước ta còn đối mặt với nhiều thách thức: Phần lớn diện tích dừa tại Việt Nam do các nông hộ trồng, khiến việc tổ chức liên kết khó đảm bảo do mỗi hộ có quy trình canh tác và thu hoạch khác nhau. Bên cạnh đó, ngành hàng còn thiếu hợp tác xã hoặc mô hình liên kết hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, công nghệ hỗ trợ chưa cao. Sự thiếu hụt này khiến việc thu gom, chế biến và vận chuyển dừa, cũng như phát triển, mở rộng liên kết diện tích trồng dừa gặp trở ngại.
Để khắc phục những tồn tại này và tận dụng cơ hội khai mở thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp, địa phương cần đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, tăng cường hợp tác và áp dụng công nghệ mới. Trước hết địa phương, doanh nghiệp nên thực hiện song song việc phát triển các vùng trồng dừa phục vụ xuất khẩu với đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic. Trong dài hạn, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ dừa.
Các địa phương cũng tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất dừa, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất dừa, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.../.
Hồng Thắm
Bình luận