Hotline: 0941068156
Thứ ba, 04/02/2025 23:02
Thứ hai, 03/02/2025 07:02
TMO - Tỉnh Gia Lai đẩy mạnh quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản; đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, động thực vật thủy sinh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 1.010 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và diện tích khai thác thủy sản khoảng 14.568 ha. Tổng sản lượng các loại thủy sản ước đạt 8.305 tấn (sản lượng nuôi 4.825 tấn, sản lượng khai thác 3.480 tấn). Toàn tỉnh hiện có 510 lồng bè nuôi cá trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu tại các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Phú Thiện, Kbang, Chư Prông và thị xã An Khê.
Nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả những lợi thế trong nuôi trồng thủy sản, địa phương này đặc biệt chú trọng đến công tác quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng. Chủ động quan trắc, đánh giá, cảnh báo, giám sát sự biến động chất lượng nước nuôi trồng thủy sản kịp thời phát hiện nguy cơ ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.
Theo đó, dự kiến thời gian thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản diễn ra từ tháng 3 đến tháng 11-2025, tại 2 điểm, gồm 1 điểm tại huyện Đak Đoa (hồ thủy điện Đak Đoa) và 1 điểm tại tại huyện Chư Prông (hồ thủy lợi Ia Mơr). Thông qua kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản năm 2025, tạo cơ sở để cơ quan quản lý các cấp hướng dẫn hoạt động sản xuất, lịch thời vụ nuôi trồng, khai thác, biện pháp xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản được chuyển tải nhanh nhất đến cơ quan quản lý, người nuôi và tổ chức, cá nhân liên quan. Cung cấp được cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thống nhất; cơ sở dữ liệu thông tin về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản được hệ thống hóa.
Gia Lai đẩy mạnh quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản. Ảnh: BGL.
UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức triển khai nội dung theo kế hoạch. Quản lý, sử dụng kinh phí để thực hiện kế hoạch theo đúng quy định hiện hành. Căn cứ vào kế hoạch và các văn bản hướng dẫn liên quan để đôn đốc, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với đơn vi quan trắc môi trường, cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả công tác quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản; thông báo kết quả quan trắc theo đợt, ngày lấy mẫu.
Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi trồng thủy sản tại khu vực được quan trắc và trên toàn địa bàn tỉnh biết, qua đó chủ động ứng phó, tổ chức thực hiện hoạt động thủy sản đạt hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, thẩm định chi tiết thông số, tần suất, địa điểm và thời gian thực hiện, tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt thuộc nhiệm vụ hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường; cung cấp thông tin, kết quả quan trắc môi trường có liên quan.
UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn chủ cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý chủ động theo dõi, giám sát môi trường tại khu vực nuôi trồng thủy sản; ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, các biện pháp xử lý môi trường vượt ngưỡng cho phép theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản và đơn vị thực hiện quan trắc; cung cấp thông tin, số liệu về quan trắc môi trường, phòng bệnh thủy sản nuôi khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hỗ trợ tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý triển khai thực hiện hoạt động quan trắc môi trường kịp thời, hiệu quả.
Xác định vị trí, địa điểm, tình hình khi xảy ra hiện tượng thủy sản chết hay khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng hoặc môi trường có diễn biến bất lợi cho đối tượng nuôi (nếu có) thuộc phạm vi quản lý. Dựa trên kết quả thích hợp của chất lượng nước, tổ chức tuyên truyền, liên kết, giới thiệu, thu hút đầu tư nuôi thủy sản tại địa bàn và các khu vực lân cận trong tỉnh.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cơ sở nuôi trồng thủy sản tham gia giám sát chất lượng nước tại cơ sở sản xuất của mình; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản trong quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản. Kịp thời thông báo những diễn biến bất thường của môi trường nuôi trồng thủy sản, báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn. Ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, biện pháp xử lý môi trường vượt ngưỡng cho phép theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản và đơn vị thực hiện quan trắc.
Bích Hồng
Bình luận