Hotline: 0941068156
Thứ ba, 13/05/2025 15:05
Thứ hai, 12/05/2025 16:05
TMO - Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 92% các khu công nghiệp, 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường... qua đó góp phần kiểm soát ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông trên địa bàn.
Triển khai Kế hoạch số 987/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24-01-2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, tỉnh Gia Lai xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, địa phương nhằm cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh.
Địa phương này đặt mục tiêu đến ngày 31 tháng 12 năm 2025 đạt được các mục tiêu sau: 92% các khu công nghiệp, 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 30% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; 40% nước thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng các biện pháp tập trung hoặc phân tán phù hợp.
Thời gian tới, tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong việc bảo vệ môi trường nước mặt; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt; tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh.
Thống kê và phân loại các nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông suối trên địa bàn tỉnh; lập danh mục nguồn thải (theo loại hình và quy mô xả thải) để kiểm soát chặt chẽ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông suối trên địa bàn tỉnh.
Rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải các đô thị tại các lưu vực sông, suối; đề xuất việc áp dụng định mức do Bộ Xây dựng đã ban hành hoặc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung định mức (nếu có), đơn giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; tham mưu đề xuất các giải pháp, phương án, cơ chế chính sách hỗ trợ để đầu tư, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Gia Lai tăng cường kiểm soát công tác xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp... (Ảnh minh họa).
Tổ chức theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước trên địa bàn tỉnh; rà soát Chương trình quan trắc môi trường tỉnh Gia Lai được phê duyệt, trường hợp cần thiết điều chỉnh bổ sung các vị trí, điểm quan trắc môi trường định kỳ (hoặc đề xuất các trạm quan trắc tự động, liên tục) để theo dõi diễn biến chất lượng nước mặt tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh (đặc biệt các vị trí ô nhiễm đang bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm cao) Triển khai các mô hình canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên, tái sử dụng nước thải, không để phát sinh ô nhiễm các lưu vực sông, suối trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức các hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với việc xả nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm nguồn nước các lưu vực sông suối trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhằm nâng cao trách nhiệm của đối tượng gây ô nhiễm, tạo nguồn thu vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông, suối theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường nước.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm các lưu vực sông, suối và thống kê, phân loại các nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông suối trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, tổng hợp lập danh mục nguồn thải (theo loại hình và quy mô xả thải) để kiểm soát gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 31/12/2025.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh các nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông suối trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 30/6/2025.
UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong việc bảo vệ môi trường nước mặt. Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt; tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh các nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông suối trên địa bàn theo thẩm quyền. Báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Môi trường) trước ngày 15/6/2025 để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường./.
Ngọc Hà
Bình luận