Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 01:11
Thứ tư, 24/08/2022 19:08
TMO - Để thực hiện công tác trồng rừng, trong giai đoạn 2017-2021, tỉnh Gia Lai bố trí tổng kinh phí tạm ứng trồng rừng sản xuất được hỗ trợ theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh đã trồng được gần 31.000 ha rừng. Tuy nhiên, qua công tác giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy, công tác trồng rừng vẫn chưa hiệu quả. Số lượng rừng chết, kém phát triển chiếm tỷ lệ rất lớn. Điển hình như huyện Chư Pưh, trong giai đoạn 2017-2021, huyện Chư Pưh đã hỗ trợ để người dân trồng được trên 327 ha rừng. Đến nay, có tới 245 ha mà tỷ lệ cây sống thấp hơn 50% so với tổng diện tích đã trồng. Ngoài ra, nhiều địa phương khác như huyện Ayun Pa, Phú Thiện… diện tích rừng trồng cũng bị chết nhiều.
Huyện Krông Pa, địa phương có gần 74 ngàn ha rừng tự nhiên, trên 1.700 ha rừng trồng và gần 27.000 ha đất chưa có rừng. Để thực hiện công cuộc phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng sinh kế và tạo công ăn việc làm cho người dân, huyện đã ký hợp đồng trồng rừng giai đoạn 2018-2020 với 300 hộ dân, trên diện tích trên 400 ha. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện, khi tiến hành nghiệm thu đối với diện tích rừng trồng giai đoạn 2018-2021, chỉ có 65 ha đạt yêu cầu về tỷ lệ sống, diện tích, mật độ... (chiếm hơn 20% so với diện tích đã trồng).
Đề xuất nâng mức hỗ trợ các đối tượng trồng rừng.
Từ thực tế của các địa phương cho thấy, nguyên nhân khiến việc trồng rừng kém hiệu quả chủ yếu do yếu tố thời tiết, diện tích rừng trồng ở xa, kinh phí chi trả cho công tác trồng rừng thấp khiến người tham gia trồng rừng không mấy mặn mà. Được biết, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Gia Lai là 1.510.013 ha, phân bổ cho mục đích lâm nghiệp đến năm 2030 là 723.156 ha (chiếm 46,62%). Tỷ lệ che phủ (kể cả cây cao su, cây trồng thân gỗ khác) chỉ đạt 47%, tỷ lệ che phủ rừng ở mức 40,79%.
Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả cao, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, các địa phương cho rằng, quan trọng nhất vẫn là mức hỗ trợ trong công tác trồng rừng. Các cấp, ngành cần xem xét nâng định mức hỗ trợ cho 1 chu kỳ trồng rừng; cần có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân tự bỏ vốn trồng rừng trên diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng; nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp phù hợp với đất rừng của các địa phương để bổ sung vào cơ cấu cây trồng trong quá trình phục hồi rừng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nhận giao rừng, trồng rừng để thuận lợi trong việc quản lý và vay vốn phát triển chăn nuôi dưới tán rừng...
Hoài An
Bình luận