Hotline: 0941068156
Thứ tư, 21/05/2025 00:05
Thứ ba, 20/05/2025 14:05
TMO - Tỉnh Gia Lai đẩy mạnh việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho nông sản chủ lực, từ đó tạo thuận lợi để nông sản của địa phương này gia tăng xuất khẩu tại các thị trường trên thế giới.
Năm 2024, diện tích cây ăn quả của tỉnh Gia Lai đạt khoảng 33.250 ha, tăng gần 2,1 lần so với năm 2019; sản lượng trái cây đạt khoảng 569.500 tấn, mức tăng bình quân trong giai đoạn 2019-2024 là 36,93%/năm. Trong đó, nhiều loại cây ăn quả có giá trị hàng hóa lớn như: chuối (diện tích khoảng 7.280 ha, sản lượng khoảng 237.000 tấn), sầu riêng (khoảng 6.380 ha, sản lượng khoảng 47.000 tấn), chanh dây (khoảng 5.450 ha, sản lượng khoảng 172.000 tấn)…
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai, mã số vùng trồng là công cụ quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hiện tại được nhiều địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh leo, chuối… đều đã được cấp mã số, qua đó khẳng định chất lượng trên thị trường quốc tế.
Mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua mã số vùng trồng, người tiêu dùng có thể yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ và tăng giá trị xuất khẩu. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Các hộ dân được hướng dẫn áp dụng các quy trình canh tác khoa học, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Tính đến hết quý I/2025, Gia Lai đã cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu với tổng công suất 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ... Cũng trong thời gian này, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã cấp 7 giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng nội địa. Lũy kế đến nay, Sở đã cấp 17 giấy xác nhận mã số vùng trồng nội địa cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Gia Lai hiện có 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu (Ảnh minh họa).
Hiện tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết phát triển sản xuất cây ăn quả với diện tích hơn 13.250 ha, với sự tham gia của 52 doanh nghiệp, 58 hợp tác xã và 35 nông hội. Việc thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị đã từng bước định hướng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường và tạo ra nguồn hàng đủ lớn, bảo đảm chất lượng.
Tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đồng thời, tỉnh Gia Lai cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho toàn bộ sản phẩm nông sản của mình.
Để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu của địa phương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp với các hội, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất các loại cây trồng có nhu cầu cấp mã số vùng trồng thì đăng ký, nộp hồ sơ trên phần mềm cấp quản lý mã số vùng trồng trực tuyến. Xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện thiết lập, xây dựng, quản lý mã số vùng trồng.
Ưu tiên nguồn lực tập huấn, hướng dẫn người dân ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu thị trường tiêu thụ.
Các địa phương thường xuyên rà soát diện tích cây trồng đủ điều kiện thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn, hỗ trợ cho tổ chức và cá nhân. Tăng cường kiểm tra, giám sát kinh doanh, sử dụng mã số vùng trồng, xác định các loại cây trồng ưu tiên cấp mã số vùng trồng, khuyến khích cấp mã số vùng trồng cho vùng nguyên liệu tập trung các loại nông sản chủ lực nhằm đáp ứng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm, 100% số xã xây dựng nông thôn mới đều thiết lập, xây dựng và cấp mã số vùng trồng…/.
Mạnh Dũng
Bình luận