Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ sáu, 12/04/2024 10:04
TMO - Trong đợt xét duyệt lần này, với 64 cây- tỉnh Bình Dương là địa phương có nhiều cây cổ thụ nhất nằm trong danh sách đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Trong buổi họp xét duyệt ngày 11/4, các chuyên gia Hội đồng Cây Di sản Việt Nam nhất trí thông qua danh sách đề cử 88 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Các tỉnh, thành phố có cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam trong đợt này gồm: Hà Nội, Lai Châu, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bình Dương.
Bình Dương là địa phương có nhiều cây cổ thụ nhất được xét duyệt trong đợt này với 64 cây. TP.Hà Nội có 6 cây, Nghệ An 5 cây, Nam Định 4 cây, Quảng Ninh 3 cây, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh 2 cây, Hải Dương, Lai Châu 1 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Tại Bình Dương các cây cổ thụ tập trung ở TP.Thủ Dầu Một. Cụ thể là: 03 cây đa và 29 cây dầu rái (hơn 200 tuổi) trong khuôn viên Thành ủy Thủ Dầu Một (tại số 99 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường). Trong khuôn viên UBND-HĐND TP.Thủ Dầu Một (số 01 đường Quang Trung) còn có 01 cây bồ đề, 01 cây sao đen, 01 cây gõ đỏ và 18 cây dầu rái khổng lồ (trên 200 năm, chu vi thân từ: 2,6 – 4,8 m; cao từ: 25-40 m). Tại khu phố 2, phương Phú Mỹ có cây đa gần 250 năm tuổi đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Tại TP.Hà Nội có 06 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam, trong đó có 05 cây ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (gồm 02 cây bồ đề trong khuôn viên đình-chùa Chuông, thôn Chung Chính, 01 cây đa, 01 cây muỗm trên 200 năm, có chu vi thân tới 3,7 mét cũng được công nhận). Tại xã Phương Trung còn có 01 cây trôi, còn lại 01 cây đa bên cạnh đền Trung, thôn Tây Sơn đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Tuy nhiên đối với cây muỗm ở Văn Quán Chỉ, thôn Tân Dân 1, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (TP.Hà Nội) đủ điều kiện để công nhận là Cây Di sản Việt Nam, nhưng Hội đồng Cây Di sản Việt Nam yêu cầu địa phương phải mở rộng không gian sống phần gốc cây trước khi công nhận Cây Di sản.
Cây bách xanh (Cây Di sản) trên 300 năm tuổi tại VQG Ba Vì, TP.Hà Nội.
Tỉnh Nghệ An có 05 cây đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam. Trong đó có cây chò xanh (săng vì) ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (có tuổi hơn 400 năm, chu vi thân tới 11 m, cao 45 m). Những cây còn lại gồm: 01 cây bồ đề ở tháp cổ Yên Hòa, bản Yên Hòa xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, 03 cây đa hơn 400 năm ở bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn.
Tỉnh Nam Định có 04 cây được công nhận Cây Di sản Việt Nam trong đợt này, đều ở xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường. Cụ thể là cây gạo hơn 500 năm tại ở ngã 4 đường trục huyện và cây gạo hơn 200 năm khu vực đền-chùa-văn chỉ làng Vạn Lộc, xã Xuân Phong, 02 cây nhãn hơn 200 năm cũng được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Trong số 03 cây của tỉnh Quảng Ninh được công nhận Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét duyệt lần này, có cây đa mới gần 70 tuổi ở thôn Bình Hải, xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Đây là cây đa được Bác Hồ trồng (ngày 12/11/1962), khi Bác về thăm quân và dân địa phương và cũng là một thực thể khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Hai cây đa còn lại khoảng 200 năm tuổi ở huyện Hải Hà (một cây ở thôn 3, xã Quảng Minh và một cây ở thôn 9, xã Quảng Chính).
Tỉnh Vĩnh Phúc có 02 cây đại hoa trắng hơn 300 năm (một cây ở đình và một cây ở chùa Thánh Long), thôn Đông Định, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch. Hà Tĩnh có 02 cây muỗm hơn 600 năm, chu vi thân hơn 5m, ở đền Cương Khấu Lộc Sơn thuộc thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên.
Trong đợt xét lần này, các tỉnh Hải Dương và Lai Châu (mỗi nơi chỉ có 01 cây) đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đó là cây đa (hơn 200 năm) ngay sát bên đình Giải, thôn Phù Tải, xã Kim Đính, huyện Kim Thành (Hải Dương) và cây đa (gần 500 năm, chu vi thân chính tới hơn 10 m) ở bản Lở Thàng 1+ 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu).
Như vậy, tính đến nay trên cả nước hiện có hơn 7.000 Cây Di sản Việt Nam thuộc 135 loài, phân bổ trên 55 tỉnh, thành phố từ địa đầu Hà Giang đến cực Nam mũi Cà Mau, từ núi cao Trường Sơn ra hải đảo (đặc biệt tại quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa). Việc công nhận Cây Di sản góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tự nhiên; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ cây cho người dân trong cộng đồng, cũng như đánh thức tiềm năng tham quan, du lịch văn hóa, quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương nơi có Cây Di sản.
Thu Phương
Mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Theo đó, cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động. Đối tượng dự thi là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”. Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/3/2024 đến hết ngày 30/9/2024. Lễ trao giải được tổ chức vào cuối tháng 11/2024. Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội).
E-mail: [email protected]
Cơ cấu giải thưởng gồm 23 giải:
01 Giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
02 Giải A: Trị giá mỗi giải 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải
05 Giải B: Trị giá mỗi giải 5.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
15 Giải C: Trị giá mỗi giải 2.000.000đ, kèm Giấy xác nhận đạt giải.
Bình luận