Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
Thứ sáu, 23/12/2022 14:12
TMO – Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nông phụ phẩm không phải là chất thải, mà phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 650 triệu USD, tăng 61,7% so với tháng trước và tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lên tới 5,16 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021… Dự kiến lượng nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam năm 2022 sẽ đạt gần 10 triệu tấn, trị giá 5,4 tỷ USD, giảm 4% về lượng nhưng tăng 8% về trị giá so với năm 2021.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam nhập khẩu 27 chủng loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong đó, nhập khẩu đậu tương từ 5 thị trường. Brazil là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất, chiếm 70% tổng lượng đậu tương nhập khẩu và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo đây tiếp tục là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, do nguồn cung dồi dào, giá cả cạnh tranh so với thị trường cung cấp khác. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu 521 nghìn tấn cám gạo, trị giá 112 triệu USD, tăng 1,8% về lượng và tăng 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để chế biến thức ăn chăn nuôi giúp giảm nhập khẩu và chống ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta có nền nông nghiệp nhiệt đới phát triển, có sản lượng nông sản lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 97 triệu dân và xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến các nông sản đó, tỷ lệ phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn. Ước tính, tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp cả nước lên đến 157 triệu tấn mỗi năm, trong đó, có 89 triệu tấn phụ phẩm ngành trồng trọt; 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm; 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp; gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản...
Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nông phụ phẩm không phải là chất thải, mà phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Thế nhưng, tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt chỉ đạt 52,2%. Con số này ở ngành chăn nuôi là 75,1%; lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%.
Lãng phí nhất là trong tổng số 42,8 triệu tấn rơm lúa chỉ có 56,3% được sử dụng cho các mục đích làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây... Một lượng đáng kể rơm rạ được đốt ngay tại ruộng đã gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Các chuyên gia khuyến nghị, việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm gánh nặng nhập khẩu mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu.
Thảo Phương
Bình luận