Hotline: 0941068156
Thứ tư, 25/12/2024 20:12
Thứ tư, 18/12/2024 06:12
TMO - Mới đây, Hội đồng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy định mới nhằm giảm lượng rác thải bao bì, đặc biệt là nhựa, đồng thời khuyến khích tái sử dụng và tái chế.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, lượng polyme tổng hợp toàn cầu thành phần tạo nên nhựa đã tăng gấp 230 lần kể từ những năm 1950. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2019, tổng khối lượng rác thải nhựa thải ra trên toàn cầu đã tăng gấp đôi, từ 156 triệu tấn lên 353 triệu tấn. Dự kiến con số kể trên sẽ tăng gần gấp ba lần, lên hơn 1 tỷ tấn ở năm 2060. Hơn 2/3 lượng rác thải này là những sản phẩm có tuổi thọ dưới 5 năm như bao bì nhựa, sản phẩm tiêu dùng và hàng dệt may.
Trước thực trạng trên, Hội đồng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU), nhóm họp tại Brussels đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường bằng việc thông qua quy định mới về bao bì và chất thải bao bì.
Quy định này nhằm mục tiêu giảm đáng kể lượng rác thải bao bì, đặc biệt là nhựa, đồng thời khuyến khích tái sử dụng và tái chế. Quy định mới đặt ra nhiều yêu cầu nhằm giảm tác động của bao bì đến môi trường. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ phải giảm thiểu đáng kể trọng lượng và kích thước bao bì, hạn chế sản xuất bao bì không cần thiết.
Đồng thời, quy định khuyến khích thói quen tái sử dụng bằng cách kêu gọi người tiêu dùng mang theo đồ đựng cá nhân. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, việc sử dụng các chất độc hại như PFAS trong bao bì thực phẩm sẽ bị hạn chế. Đặc biệt, quy định đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng tỷ lệ tái chế bao bì, với chai nhựa là trọng tâm, lên đến 65% vào năm 2040.
Rác thải, bao bì nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. (Ảnh minh hoạ).
Sau cùng, nhiều loại bao bì nhựa dùng một lần, đặc biệt là đồ dùng nhựa trong các cơ sở ăn uống và sản phẩm mỹ phẩm nhỏ, sẽ bị cấm hoàn toàn. Lượng rác thải bao bì, đặc biệt là nhựa, đang là một vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Việc giảm thiểu và quản lý chất thải bao bì không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm.
Quy định mới của EU được kỳ vọng sẽ là một tấm gương cho các quốc gia khác noi theo, góp phần xây dựng một hành tinh xanh hơn. Việc thực hiện quy định mới sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới, tìm kiếm các giải pháp bao bì bền vững và tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Quy định mới của EU về bao bì và chất thải bao bì là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, phần lớn rác thải nhựa trên thế giới có nguồn gốc từ hoạt động quản lý chất thải kém, cùng các nguồn khác như xả rác, vi nhựa… Chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, 19% được đốt cháy và gần 50% được chuyển đến các bãi chôn lấp có kiểm soát. 22% còn lại nằm tại các bãi rác bất hợp pháp, bị đốt ngoài trời hoặc thải ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người.
OECD đánh giá, những tác động của rác thải nhựa đến môi trường, khí hậu và sức khỏe con người đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhựa tích tụ trong môi trường không thể phân hủy sinh học và phải mất hàng trăm năm để phân hủy, nhựa tác động lớn đến các loài sinh vật biển, gây ảnh hưởng tới đất và nước ngầm, do đó để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Do đó, những quy định của Hội đồng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU)không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo ra những cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Mai Lan
Bình luận