Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Thứ năm, 20/02/2025 09:02
TMO - Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch thắt chặt kiểm soát đối với thực phẩm nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn của khối này.
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ công bố một kế hoạch chi tiết mới cho lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi tham khảo ý kiến của các nhóm vận động hành lang trong lĩnh vực nông nghiệp và các tổ chức phi chính phủ về môi trường. Theo đó, để đảm bảo ngành nông nghiệp của EU không bị thua thiệt trong cạnh tranh, EC sẽ theo đuổi việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất chặt chẽ hơn cho hàng nông sản nhập khẩu.
Cụ thể, EU sẽ đảm bảo rằng các loại thuốc trừ sâu độc hại nhất, đã bị cấm sử dụng tại EU vì lý do sức khỏe và môi trường, sẽ không được phép quay trở lại thị trường EU thông qua các sản phẩm nhập khẩu. Bản dự thảo không nêu rõ mốc thời gian thực hiện kế hoạch này, hoặc những sản phẩm hay quốc gia nào có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khả năng EU cấm một số mặt hàng nhập khẩu có thể gây ra những xáo trộn ở nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang.
(Ảnh minh họa).
Bản dự thảo cũng cam kết cải cách Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) của EU, giảm bớt các thủ tục hành chính và hướng các khoản trợ cấp khổng lồ đến đúng đối tượng là những nông dân thực sự cần hỗ trợ nhất.
Ngành nông nghiệp đóng góp 1,3% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU trong năm 2023. Ngành thực phẩm nông nghiệp của châu Âu tạo việc làm cho 30 triệu người, chiếm 15% tổng số việc làm trong EU.
Đáng chú ý, từ ngày 1/4/2025, EU sẽ mở rộng Hệ thống Kiểm soát nhập khẩu 2 (ICS2) sang các phương thức vận tải đường bộ và đường sắt nhằm tăng cường an ninh và giám sát nhập khẩu. Theo quy định mới, trước khi hàng hóa đến EU, các hãng vận tải, bao gồm cả vận tải đường bộ và đường sắt, sẽ phải cung cấp dữ liệu Tờ khai tóm tắt hàng đến (ENS) đầy đủ và chính xác thông qua hệ thống ICS2.
Quy định này cũng áp dụng cho các đơn vị vận chuyển bưu chính, chuyển phát nhanh và một số bên liên quan khác như nhà cung cấp dịch vụ hậu cần. Trong một số trường hợp, các bên nhận hàng tại EU cũng có trách nhiệm gửi dữ liệu ENS.
Để đáp ứng yêu cầu của ICS2, doanh nghiệp cần thu thập đầy đủ thông tin từ khách hàng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cải tiến quy trình vận hành và đào tạo nhân sự. Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện kiểm tra khả năng tuân thủ trước khi kết nối với hệ thống để bảo đảm trao đổi thông tin với cơ quan hải quan diễn ra thuận lợi. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng đúng thời hạn các yêu cầu của hệ thống ICS2, hàng hóa có thể bị giữ lại tại biên giới EU và không được cơ quan hải quan cho phép thông quan.
Đức Bình
Bình luận