Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ sáu, 11/08/2023 07:08
TMO - Viện Khoa học Hàng hải Australia cảnh báo, nhiệt độ đại dương tăng lên có thể khiến rạn san hô Great Barrier của nước này bị tẩy trắng trên diện rộng.
Rạn san hô lớn nhất thế giới đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn sau 5 lần bị tẩy trắng vào các năm 1998, 2002, 2016, 2017 và 2020. Tuy nhiên đến năm 2022, hiện tượng tẩy trắng một lần nữa lại xảy ra, khiến những dải san hô rực rỡ, đầy sức sống chuyển màu trắng nhợt nhạt, yếu ớt.
Theo cơ quan dự báo thời tiết của Australia, hình thái thời tiết El Nino (nhiệt độ bề mặt nước biển ấm hơn mức trung bình tại các khu vực xung quanh đường xích đạo ở trung tâm và bờ đông Thái Bình Dương) nhiều khả năng sẽ xuất hiện trên lãnh thổ nước này trong một vài tuần tới khiến nước biển ở Thái Bình Dương ấm lên, qua đó làm tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng tẩy trắng san hô.
Tình trạng rạn san hô Great Barrier Reef có thể xấu đi trong trường hợp nhiệt độ nước biển tăng gây ra một đợt tẩy trắng hàng loạt mới vào cuối năm nay.
Thời gian qua, nhiệt độ bề mặt đại dương trung bình toàn cầu liên tục chạm các ngưỡng cao kỷ lục. Viện khoa học biển Australia cho biết, quá trình phục hồi gần đây của Great Barrier Reef sẽ bị đảo ngược nhanh chóng nếu rạn san hô này phải hứng chịu một đợt tẩy trắng quy mô lớn khác.
Rạn san hô Great Barrier Reef là một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của Australia. Hồi đầu năm nay, nhóm các nhà khoa học của Liên hợp quốc đã đưa kỳ quan này ra khỏi danh sách các di sản “đang trong tình trạng nguy cấp” sau quá trình phục hồi tích cực. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thành lập một phái đoàn giám sát tại Australia để đánh giá tác động của tình trạng ô nhiễm, đánh bắt cá, biến đổi khí hậu và tẩy trắng đối với Great Barrier Reef. Trước đó, năm 2010, UNESCO đã lần đầu đưa ra báo động về sự xuống cấp của rạn san hô này.
Theo tính toán của các chuyên gia, các rạn san hô chiếm chưa đến 1% diện tích đại dương, nhưng ở một số thời điểm có tới 25% sinh vật biển phải sống phụ thuộc vào những rạn san hô này. Về mặt kinh tế, lượng hàng hóa và dịch vụ do các rạn san hô cung cấp được định giá lên tới 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm. Hội đồng Khoa học về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo, trong trường hợp nền nhiệt toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C có thể làm rạn san hô ở các đại dương suy giảm từ 70-90%. Và nếu các nước không giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính, các rạn san hô có thể bị tẩy trắng hoàn toàn vào cuối thế kỷ này.
Quỳnh Chi
Bình luận