Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ sáu, 30/09/2022 06:09
TMO - Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng bùng phát do nguồn cung của Nga bị cắt giảm gần như hoàn toàn trong tháng 9, chính phủ Đức thông báo sẽ duy trì các nhà máy điện hạt nhân ở chế độ sẵn sàng hoạt động cho đến sau năm 2022, thay vì đóng cửa như kế hoạch ban đầu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố nước này sẽ kéo dài thời gian hoạt động của hai nhà máy điện nguyên tử Isar 2 nằm gần thành phố Munich và Neckarwestheim thuộc phía Tây Nam cho đến hết quý 1/2023. Đây là hai trong ba nhà máy điện nguyên tử được chính phủ tiền nhiệm lên kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn vào cuối năm 2022 để dần từ bỏ điện hạt nhân sau thảm hoạ Fukushima tại Nhật Bản năm 2011.
Ông Robert Habeck cho biết tình hình ở nước láng giềng Pháp, nhà cung cấp điện hạt nhân ở châu Âu, hiện không tốt, thậm chí trở nên tồi tệ hơn đáng kể những tuần gần đây. Tại Pháp, gần một nửa các lò phản ứng trong các nhà máy điện hạt nhân của Pháp vẫn chưa được khởi động lại do vấn đề bảo dưỡng và sửa chữa kỹ thuật.
Nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen ở Gundremmingen, miền Nam Đức. Ảnh: AFP
Trước đó, vào ngày 5/9, Bộ trưởng Habeck thông báo, hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức "sẽ được duy trì đến giữa tháng 4/2023 để đề phòng trường hợp cần thiết". Các nhà máy này sẽ được đưa vào trạng thái chờ nhằm "sẵn sàng đóng góp thêm sản lượng cho lưới điện ở miền Nam nước Đức", nơi tiến trình phát triển năng lượng tái tạo chậm hơn so với miền Bắc.
Quyết định được đưa ra sau khi các đơn vị vận hành lưới điện Đức thực hiện kiểm tra áp lực trên hệ thống, cho thấy có thể xảy ra nhiều giờ khủng hoảng cấp điện trong mùa đông do châu Âu thắt chặt thị trường năng lượng.
Thu Thảo
Bình luận