Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ hai, 20/03/2023 13:03
TMO - Cơ quan Quản lý năng lượng Đức cho biết, không thể loại trừ khả năng quốc gia này lâm vào tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng trong mùa Đông 2023 – 2024.
Người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng Đức, ông Klaus Mueller nhấn mạnh: Không thể loại trừ khả năng thiếu khí đốt trong mùa Đông năm tới, vì có những yếu tố rủi ro tiềm ẩn như thời tiết giá rét khắc nghiệt, các hộ gia đình và các công ty không tiết kiệm nhiên liệu đủ mức cần thiết. Những yếu tố rủi ro khác cũng có thể xuất hiện trong trường hợp cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt theo kế hoạch của nước này không hiệu quả và các nước trong khu vực đề nghị sự hỗ trợ từ nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu này.
Các đường ống tại cơ sở lưu trữ khí đốt tại các công ty ở Đức.
Dù có nhiều dự báo khả năng Đức thiếu khí đốt trong mùa Đông năm 2022-2023 do hạn chế nguồn cung từ Nga, song trên thực tế, nguồn cung khí đốt của nước này đến nay vẫn ổn định nhờ thời tiết ấm hơn dự báo, nhu cầu tiêu thụ thấp hơn và có nhiều nguồn cung năng lượng thay thế bù đắp cho sự thiếu hụt. Cụ thể, lưu trữ khí đốt của Đức hiện ở mức 63,89%, trên ngưỡng cấp bách để nước này phải thực hiện cắt giảm tiêu thụ khí đốt, chủ yếu do thời tiết trong vài tháng qua ấm hơn.
Tuy nhiên, giới chức nước này vẫn kêu gọi các hộ gia đình và công ty sử dụng tiết kiệm năng lượng. Bởi yếu tố rủi ro lớn nhất là thời tiết vì khi thời tiết lạnh, nhiều hộ gia đình sẽ không tiết kiệm tiêu thụ năng lượng. Trước đó, vào tháng 10/2022, Đức tiết kiệm được hơn 20% lượng khí đốt tiêu thụ, song đến tháng 12 chỉ tiết kiệm được 7%.
Không chỉ Đức, các nước khác, như Anh và Australia, dù không bị ảnh hưởng liên quan nguồn cung năng lượng từ Nga, song tình trạng giá điện tăng cao cũng khiến nhà chức trách đang phải loay hoay với bài toán khí đốt chuẩn bị cho mùa Đông 2023-2024. Anh đang xem xét duy trì các nhà máy điện than để đảm bảo nguồn cung của mạng lưới điện quốc gia, trong khi Australia yêu cầu các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở bờ biển phía Đông có thể phải chuyển nguồn cung khí đốt dư thừa cho khách hàng trong nước để đảm bảo nguồn cung.
Minh Vân
Bình luận