Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 13:11
Thứ ba, 03/10/2023 18:10
TMO - Các hoạt động du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động ngành du lịch. Trong giai đoạn 2010 – 2019 (thời điểm đại dịch Covid-19 chưa bùng phát), lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ bình quân cả nước, với 13,6% một năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nhiều lợi thế về tài nguyên biển. Với trên 3.260 km đường bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển (gấp 3 lần diện tích đất liền) cùng với khoảng 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng) và Trường Sa (thuộc Khánh Hòa). Biển Việt Nam dài và đẹp, lại chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng, quy mô thuộc loại khá, cho phép phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng. Trong vùng biển nước ta, bên cạnh tiềm năng lớn về hải sản, khoáng sản, dầu mỏ, còn có nhiều vũng, vịnh, hang động trên đảo, bãi tắm…, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo. Nắm bắt thế mạnh này, thời gian qua, nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng đã được đầu tư phát triển. Để tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh cho du lịch biển, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển đã được đưa vào hoạt động như: chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca nô, lướt ván, đua thuyền,… đặc biệt là loại hình ngắm biển bằng dù lượn, kinh khí cầu, máy bay mô hình; máy bay trực thăng.
Theo thống kê, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa. Năm 2019 ngành du lịch đón trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước. Có thể khẳng định, du lịch biển đảo đã mang lại nhiều kết quả cho ngành du lịch, tuy nhiên, việc khai thác chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.
(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, việc chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo là một định hướng đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam và mang ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, để du lịch biển đảo phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng và tạo được thương hiệu riêng, thì ngoài việc phải khắc phục những hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua còn cần có sự đầu tư và quản lý một cách chiến lược cả về cơ sở vật chất, dịch vụ và con người cho các trung tâm du lịch biển đảo đã được xác định.
Cụ thể, các địa phương cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất tại các bến cảng; cải tạo những điều kiện về kỹ thuật, vệ sinh, an toàn tại các bến cảng hàng hóa để phù hợp cho việc đón tàu du lịch; tập trung đầu tư trang bị mới và cải tạo đội tàu du lịch để phục vụ du khách với chất lượng tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế...Đặc biệt, cần phát huy yếu tố văn hoá của từng địa phương trong phát triển du lịch biển để tạo dấu ấn riêng và thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần. Về lâu dài, để phát triển bền vững ngành du lịch tàu biển phải đầu tư xây dựng một số cảng du lịch với ga đón khách hiện đại, đầy đủ tiện nghi dành cho du lịch tàu biển.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng các cảng biển, bến neo đậu, cầu cảng tại các vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, đặc biệt là hạ tầng cầu cảng tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc... để tăng cường khả năng tiếp cận điểm đến từ biển. Nghiên cứu tính khả thi đầu tư xây dựng sân bay phù hợp với điều kiện ở các đảo; kết nối các đảo của Việt Nam với đất liền và quốc tế. Đầu tư hạ tầng về năng lượng điện và nước sạch trên các đảo để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ trên đảo.
Đẩy mạnh hỗ trợ về giá, thuế cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, cho các tuyến du lịch ra đảo xa. Ưu đãi tối đa trong khung quy định đối với đầu tư du lịch tại đảo xa. Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp bù đắp chi phí khi cần thiết do gặp phải rủi ro do tác động của tình hình Biển Đông; hỗ trợ giảm thiểu những chi phí do việc hủy đột xuất các chương trình du lịch ra đảo và tuyến du lịch tàu biển trước những biến cố không lường trước. Nhà nước hỗ trợ liên kết phát triển du lịch biển giữa doanh nghiệp du lịch với ngành thủy sản, nuôi trồng và đánh bắt xa bờ, giao thông hàng hải, vận tải biển, dịch vụ hàng hải…
Các doanh nghiệp lữ hành cần có những biện pháp kích cầu và tạo ra những sản phẩm mới lạ, đa dạng cho nhóm du khách tàu biển với những chương trình tour đặc sắc; liên kết với các công ty dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, cũng như các địa phương để giảm giá các dịch vụ, giá phòng, nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách…Nhà nước cần quan tâm định hướng cho doanh nghiệp du lịch về sản phẩm du lịch biển hướng ra Biển Đông (đến nay, du lịch Việt Nam mới khai thác dịch vụ ven bờ và các bãi biển là chủ yếu; các hoạt động du lịch trên mặt nước và dưới đáy biển, ngoài đảo xa còn hạn chế).
Hướng tới phát triển du lịch theo chiều sâu, khai thác các dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá, thể thao trên mặt biển, dưới đáy biển và ngoài đảo xa; đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển, nâng cao giá trị gia tăng và khai thác các tiềm năng, lợi thế từ biển. Tôn vinh văn hóa biển, ẩm thực biển, tạo sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến các vùng biển, đảo song song với việc khơi dậy lòng yêu nước của người dân. Quan tâm giáo dục, phát triển nhân lực tại các tỉnh, thành phố có biển để khai thác các tài nguyên biển một cách bền vững phục vụ dân sinh. Tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và thủy sản.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt chú trọng vấn đề bảo tồn tôn tạo tài nguyên; xác định cộng đồng, người dân địa phương chính là những chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch biển với bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa. Xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển….
Ngành du lịch cần phối hợp với các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí, đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khách quốc tế. Đối với các địa phương, cần hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia, theo hướng tăng trưởng xanh.
Đặc biệt, ngành du lịch các địa phương phải chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng chèo kéo, tranh giành khách, tùy tiện nâng giá sản phẩm, dịch vụ không phù hợp với thực tế, có thái độ thiếu chuẩn mực, phân biệt đối xử giữa các khách du lịch, dẹp bỏ tình trạng kinh doanh chộp giật mang tính ‘cơ hội’ và tình trạng xả rác bừa bãi, chất thải không được thu gom, xử lý kịp thời, triệt để dẫn đến ô nhiễm. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm tình trạng xâm lấn, phá vỡ cảnh quan, di sản thiên nhiên đối với các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch…/.
QUỐC DŨNG
Bình luận