Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 27/05/2023 20:05
TMO - Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP.
Quốc hội nhất trí thông qua
Ngày 16/6/2022 Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường Vành đai 4 với quy mô đầu tư khoảng 112,8km và tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Theo kế hoạch về tiến độ thực hiện, Dự án Vành đai 4 được chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án thành phần 3 (dự án PPP) loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Hướng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Việc sớm triển khai dự án đường Vành đai 4, vành đai mang tính “đối ngoại”, không chỉ giúp Hà Nội mở rộng không gian phát triển mà gia tăng kết nối liên vùng để các địa phương cùng bứt phá. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đó, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô.
Đường vành đai 4 khi đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4. Bên cạnh đó, tuyến vành đai 4 sẽ tạo sức hút giãn cách mật độ dân cư khu vực trung tâm đô thị, phát triển chuỗi đô thị vệ sinh về phía Đông và Đông Bắc sông Hồng và các khu vực đô thị, công nghiệp của vùng Thủ đô. Cùng với các tuyến nối tâm, các cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống sẽ cùng thực hiện chủ trương phát triển “Thành phố Đông sông Hồng”.
Đặc biệt, tuyến đường Vành đai 4 được triển khai xây dựng sẽ mở ra không gian kết nối và phát triển cho Bắc Ninh. Với lợi thế vị trí ngay sát Thủ đô Hà Nội và là Trung tâm "Vùng Thủ đô", việc kết nối mở thêm đường hướng tâm Vành đai 4 trong Vùng Thủ đô không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển mà còn tăng khả năng liên kết, giao thương hàng hóa Bắc Ninh với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô.
Khởi công trong tháng 6
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt chủ trương đầu tư cho 59/64 dự án trên cả nước. Trong đó, 41 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư. Đáng chú ý, theo Bộ GTVT, 10 dự án sẽ được khởi công ngay trong quý II năm nay, như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP. HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ.
Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã hoàn thành khoảng 50%.
Trước đó, ngày 5/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cho biết việc xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mục tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ đến 30/6/2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công, đến 31/12/2023 bàn giao 100% mặt bằng. Tính đến đầu tháng 5/2023, Hà Nội đã bàn giao 50% diện tích đất của dự án và sẽ khởi công dự án vào ngày 30/6 tới.
Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư trên 85.000 tỷ đồng với tổng chiều dài khoảng 112,8 km, bao gồm: 103,1km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với chiều rộng từ 90m đến 135 m; thực hiện đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với chiều rộng 17 m với 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh và các lối ra vào đường cao tốc đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả.
QUỐC DŨNG
Bình luận