Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ bảy, 13/01/2024 12:01
TMO – Sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp được cho là tiềm năng và thế mạnh của Đồng Tháp. Do đó, địa phương này muốn đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế.
Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp là những thế mạnh của địa phương, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế. Theo đó, phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị ở Đồng Tháp (gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt). Từng bước phát triển chăn nuôi hướng tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao gắn với chế biến thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu. Kết hợp chăn nuôi với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển thủy sản, nhất là cá tra trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; áp dụng công nghệ cải tiến, hiện đại, nuôi hữu cơ, nuôi tuần hoàn, gắn với hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, bền vững.
Đồng Tháp tập trung phát triển sản xuất công nghiệp.
Đối với sản xuất công nghiệp, Đồng Tháp sẽ cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ và thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, đồng thời với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển cơ khí, cơ khí chính xác, dược phẩm và các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống.
Tập trung đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, trung tâm chế biến nông, thủy sản gắn với phát triển hệ thống logistics, dịch vụ hậu cần, dịch vụ hỗ trợ. Đẩy nhanh xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các khu, cụm công nghiệp tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Tăng cường phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, đủ trình độ chuyên môn và công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài công nghiệp, địa phương này sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Quy hoạch sẽ tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại của vùng đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tập trung phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn, nông nghiệp nông thôn, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe phù hợp với đặc trưng sông nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 7 - 7,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 160 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 27%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8%. Tỷ lệ đóng góp của năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế (TFP/GRDP) đến năm 2030 là 50%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt 477.000 tỷ đồng.
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận