Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/04/2025 10:04
Thứ ba, 01/04/2025 12:04
TMO - Việc linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại tỉnh Đồng Tháp là giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2025 tỉnh sẽ chuyển đổi 1.820ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản. Địa phương này chọn 26 loại cây lâu năm được chuyển đổi trên đất trồng lúa như: xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, bưởi, sầu riêng, mít, mãng cầu, vú sữa, dừa…
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâu năm trên đất trồng lúa phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Trồng trọt và các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Tháp rà soát, tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi danh mục loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi trên đất trồng lúa còn lại phù hợp với tình hình thực tế.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu UBND huyện, thành phố căn cứ danh mục loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi trên đất trồng lúa, lựa chọn loại cây trồng phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển trồng trọt và phù hợp với tình hình thực tế sản xuất của địa phương. Năm 2024, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Đồng Tháp là trên 10.000ha. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm gần 7.000ha, trồng cây lâu năm 3.000ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 13ha.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây trồng chuyển đổi, phổ biến những mô hình hiệu quả để người sản xuất áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hình thành nên các vùng chuyên canh cây trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NH.
Việc chuyển đổi từ các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 5-8 lần. Đáng chú ý là việc chuyển đổi sản xuất sầu riêng an toàn theo hướng VietGAP mang lại thu nhập bình quân khoảng 700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 20 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích canh tác. Mô hình sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ cũng cho thu nhập bình quân khoảng 320 triệu đồng/ha/năm; sản xuất nhãn mang lại thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, còn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng trên địa bàn huyện như: mô hình chuyển đổi vườn tạp (quy mô 40ha); trồng rau thủy canh trong nhà lưới (quy mô 0,3ha); sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc (quy mô 126,19ha); mô hình cấy và bón phân thông minh cho lúa (quy mô 12ha); trồng khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP (quy mô 100ha); trồng bưởi hữu cơ (quy mô 10ha); sản xuất cá tra giống chất lượng cao theo chuỗi 3 cấp (quy mô 50ha)....
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững...
UBND tỉnh yêu cầu việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, bảo đảm phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi bảo đảm hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững./.
Hải Minh
Bình luận