Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ tư, 04/09/2024 15:09
TMO - Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Địa phương này đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất tại khu vực kinh tế này.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 183/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 43 /KH-KCNĐN, thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại các Khu công nghiệp Đồng Nai.
Theo đó, kế hoạch tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường, trong đó thực hiện xanh hóa các ngành sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp sinh thái.
Khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường, định hướng khuyến khích chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh theo hướng khu công nghiệp sinh thái. Thúc đẩy phát triển, thực hiện xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; khuyến khích sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Đồng thời, triển khai Kế hoạch thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, thực hiện quản lý dựa trên giấy phép môi trường, chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường, chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường…Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môn trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường, trong đó tập trung tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các KCN;
Công tác quản lý, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các KCN được ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; triển khai thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn tại nguồn bằng biện pháp đẩy mạnh áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đồng xử lý, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường cho hoạt động chôn lấp chất thải, không thực hiện chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt.
Cùng với đó, các KCN thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tăng cường giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, thu gom và xử lý chất thải nhựa. Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải rắn xây dựng, các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng quy định về môi trường và yêu cầu kỹ thuật; tiếp tục đẩy mạnh quản lý chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp; ngăn chặn hiệu quả tình trạng đổ, chôn lấp chất thải nguy hại phép. Đồng thời, tăng cường xử lý nước thải, thực hiện xử lý nước thải đạt yêu cầu tại tất cả các khu công nghiệp.
Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, trong đó cần tập trung thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng các vật liệu xây không nung, thân thiện với môi trường, từng bước hạn chế phát triển nhiệt điện than; kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng.
Đồng thời, phát triển và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện quản lý tổng hợp chất thải rắn; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý/tiêu hủy kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn; kiểm soát, giảm thiểu phát thải mê-tan từ các bãi chôn lấp chất thải rắn...
Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường, cơ chế xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường. Tăng cường năng lực quản trị môi trường trong các doanh nghiệp và các khu công nghiệp.
Tỉnh đã ưu tiên thu hút đầu tư với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại và gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Theo Ban quản lý các KCN Đồng Nai, tính đến nay, trong 33 KCN được thành lập thì có 31 khu đã thu hút dự án đầu tư và đi vào hoạt động về cơ bản xây dựng hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung. Hiện tổng công suất thiết kế nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN trên địa bàn tỉnh được nâng lên 205,8 nghìn m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, có 25 KCN được lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc nước thải tự động. Các nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn tỉnh đang hoạt động tương đối tốt với sự giám sát của Ban quản lý các KCN và sở, ngành liên quan.
Để hướng đến nền công nghiệp xanh, tỉnh đã ưu tiên thu hút đầu tư với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại và gắn với công tác bảo vệ môi trường. Đối với các KCN, CCN khác, tỉnh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng trước khi mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Đối với Ban quản lý các KCN Đồng Nai, tỉnh yêu cầu cần nâng cao năng lực thẩm định đối với các dự án đầu tư mới, ưu tiên các dự án quan tâm đến bảo vệ môi trường và tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp hiện hữu tích cực thực hiện các công trình, giải pháp bảo vệ môi trường.
Riêng đối với các CCN, để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư bảo vệ môi trường nhằm hướng tới 100% CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung vào năm 2025, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Thùy Vân
Bình luận