Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 02/05/2025 21:05
Thứ sáu, 02/05/2025 06:05
TMO - UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2025–2030, nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời xử lý các tình huống ô nhiễm do chất thải gây ra, đồng thời hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường tự nhiên.
Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, hiện tại TP.Biên Hoà, mỗi ngày phát sinh khoảng 760 tấn rác thải sinh hoạt; vào dịp lễ, Tết, lượng rác thải thường tăng gấp đôi. Tính đến năm 2024, tỉnh Đồng Nai phát sinh trung bình khoảng 2.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm từ 120 đến 140 tấn/ngày.
Dự báo đến năm 2025, lượng rác thải sinh hoạt sẽ tăng lên khoảng 2.500 tấn/ngày, và đến năm 2030 có thể đạt 3.200 tấn/ngày. Hiện nay, Đồng Nai có 4 khu xử lý rác thải sinh hoạt chính: Khu xử lý rác xã Quang Trung (H.Thống Nhất) với công suất 1.200 tấn/ngày; Khu xử lý rác xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) công suất 450 tấn/ngày; Khu xử lý rác xã Túc Trưng (H.Định Quán) khoảng 110 tấn/ngày; và Khu xử lý rác xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) khoảng 240 tấn/ngày .
Tuy nhiên, việc xử lý rác thải đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2025 - 2030. Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch trên là nhằm triển khai Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải gây ra;
Đồng thời, đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý Nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng các cấp trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là hạn chế nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải. Ảnh minh họa.
Xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường; tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế về cảnh báo sớm, phòng ngừa, phối hợp xử lý và khắc phục hậu quả các sự cố chất thải xuyên biên giới. Trong Kế hoạch cũng nêu rõ về tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN), hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 33 KCN được thành lập, về cơ bản, tất cả các KCN đang hoạt động đều đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), đảm bảo việc tiếp nhận và xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong KCN.
Cụ thể, 31/33 KCN có dự án đang hoạt động đã xây dựng hoàn thành nhà máy XLNTTT với tổng công suất thiết kế là 234.800 m3/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 2.527 tỷ đồng, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp; 02/33 KCN chưa hoạt động, gồm: KCN Công nghệ cao Long Thành và KCN Long Đức 3. Về đánh giá chung đối với công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa ứng phó sự cố chất thải của các cơ sở đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, kế thừa kết quả điều tra báo cáo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phòng ngừa kiểm soát các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” và trên cơ sở điều tra, khảo sát nhiệm vụ “Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2024 - 2030”
Hiện các cơ sở đã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải, tuy nhiên nội dung báo cáo chưa đúng theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 (Đề cương, bố cục, nội dung của kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở) ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030. Về nhiệm vụ chung, tỉnh Đồng Nai sẽ vận dụng, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực, giảm thiểu tối đa các tác động, thiệt hại về người, kinh tế - xã hội và môi trường;
Tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố chất thải tại địa phương (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của địa phương); đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ ưu tiên đầu tư mua sắm các trang thiết bị, phương tiện và vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố do chất thải.
Triển khai ứng phó với sự cố chất thải.
Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2025–2030 nhằm hạn chế, giảm thiểu nguy cơ và tác động của các sự cố môi trường do chất thải gây ra. Đồng thời, đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó và khắc phục hậu quả.
Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý chất thải, bao gồm cả thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý chất thải của các địa phương, nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai có 565 cơ sở trong danh mục cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về nước thải. Có 565 cơ sở trong danh mục cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về khí thải. Về chất thải rắn, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đều phát sinh chất thải (sinh hoạt, công nghiệp thông thường, công nghiệp nguy hại).
Kế hoạch đặt ra mục tiêu hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải gây ra. Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả. Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, bao gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh. Tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế về cảnh báo sớm, phòng ngừa, phối hợp xử lý và khắc phục hậu quả các sự cố chất thải xuyên biên giới.
Việc Đồng Nai triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2025–2030 là bước đi cần thiết và kịp thời trong bối cảnh lượng rác thải trên địa bàn không ngừng gia tăng, và hệ thống xử lý còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường. Kế hoạch này không chỉ thể hiện sự chủ động của tỉnh trong công tác phòng ngừa, ứng phó rủi ro mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng môi trường sống của Nhân dân toàn tỉnh.
Đức Chí
Bình luận